Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi

Chế độ ăn uống theo từng giai đoạn phát triển của bé trong năm đầu đời.

Chế độ dinh dưỡng cho bé theo từng độ tuổi. Trong năm đầu đời, bé sẽ trải qua nhiều giai đoạn dinh dưỡng khác nhau: từ sơ sinh đến 4 tháng, từ 4-6 tháng tuổi, từ 6-8 tháng tuổi, từ 8-10 tháng tuổi, và từ 10 đến 12 tháng tuổi.

Dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi


Blog Nuôi Dạy Con giới thiệu cho bạn chế độ ăn uống cho bé thuộc 5 nhóm tuổi:

- Từ sơ sinh đến 4 tháng
- Từ 4-6 tháng tuổi
- Từ 6-8 tháng tuổi
- Từ 8-10 tháng tuổi
- Từ 10-12 tháng tuổi.

Với mỗi giai đoạn phát triển của bé từ sơ sinh đến 12 tháng, bạn có thể sử dụng hướng dẫn này để biết nên cho bé ăn gì, khối lượng thức ăn bao nhiêu. Nếu bé ăn nhiều hơn hoặc ít hơn số lượng được liệt kê cũng không cần lo lắng vì các thông tin chỉ là hướng dẫn cơ bản để tham khảo.

Trong giai đoạn cho bé tập ăn dặm, bạn có thể linh hoạt chứ không nên tuân theo thứ tự một cách cứng nhắc. Nếu bạn muốn cho bé nếm đậu phụ ở 6 tháng tuổi, có thể thử mà không cần chờ tới 8 tháng như thông tin trong bài viết.

Tuy nhiên, các mẹ được khuyến cáo là nên đợi bé được 1, thậm chí 3 tuổi trước khi cho bé thử các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như trứng, cá và đậu phộng. Mặc dù chưa thể khẳng định việc trì hoãn này có thể ngăn ngừa được việc bé bị dị ứng thực phẩm, nhưng nhiều bác sĩ nhi khoa vẫn khuyên bạn nên chờ đến khi bé lớn hơn, đặc biệt với các bé bị bệnh chàm hoặc gia đình có tiền sử với dị ứng. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về dinh dưỡng nếu cần thiết.

Giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng

Hành vi ăn

• Bản năng sẽ khiến bé quay về phía núm vú của mẹ để tìm nguồn dinh dưỡng.

Thức ăn cho bé

• Chỉ nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Lời khuyên

• Đường tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển nên giai đoạn này bạn chưa nên cho bé ăn thức ăn đặc.

Giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm
Bạn có thể cho bé thử nghiệm thức ăn dặm nếu bé:

• Có thể kiểm soát các cử động của đầu và cổ.
• Có thể ngồi lên với sự giúp đỡ của người thân.
• Có thể giả vờ nhai.
• Tăng cân lên gấp 2 lần so với lúc mới sinh.
• Thể hiện sự thích thú với thức ăn.
• Có thể ngậm một cái muỗng.
• Có thể dùng lưỡi để di chuyển thức ăn từ trước ra sau miệng.
• Có thể đẩy lưỡi qua lại.
• Có vẻ đói sau khi đã bú mẹ 8-10 lần hoặc sau khi đã uống khoảng 1 lít sữa công thức trong một ngày.
• Mọc răng.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Thức ăn xay nhuyễn như khoai lang, bí, táo, chuối, đào hoặc lê và ngũ cốc hơi sệt.
Liều lượng mỗi ngày
• Bắt đầu với khoảng 1 muỗng cà phê thức ăn hoặc ngũ cốc xay nhuyễn, trộn ngũ cốc với 4-5 muỗng cà phê sữa mẹ hoặc sữa công thức.
• Tăng thêm khẩu phần với 1 thìa thức ăn xay nhuyễn hoặc 1 muỗng canh bột ngũ cốc trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức, hai lần/ngày. Nếu cho bé ăn ngũ cốc, từ từ cho ít sữa lại để tăng độ đặc.

Lời khuyên

• Nếu lúc đầu bé không chịu ăn ngũ cốc, nên để một vài ngày rồi thử lại.

Giai đoạn 6-8 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm

• Tương tự như khi bé 4-6 tháng.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
• Các loại ngũ cốc giàu chất sắt (gạo, lúa mạch, yến mạch).
• Trái cây xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (chuối, lê, táo, đào).
• Rau xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (bơ, cà rốt nấu chín, bí, khoai lang).
• Thịt xay nhuyễn (thịt gà, thịt heo, thịt bò).
• Đậu phụ xay nhuyễn.
• Các loại đậu xay nhuyễn (đậu đen, đậu xanh, đậu tằm, đậu đen, đậu lăng..).

Liều lượng mỗi ngày

• 3-9 muỗng canh ngũ cốc, cho bé ăn từ 2-3 lần.
• 1 muỗng cà phê trái cây, tăng dần đến 1/4 đến 1/2 chén trong 2-3 lần.
• 1 muỗng cà phê rau, dần dần tăng lên 1/4 đến 1/2 chén trong 2-3 lần.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không

Giai đoạn 8-10 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm và ăn bốc

• Tương tự như khi bé 6-8 tháng.
• Bé thích dùng tay bốc thức ăn.
• Bé có thể chuyển các đồ vật từ tay này sang tay khác.
• Bé muốn bỏ mọi thứ vào miệng.
• Chuyển động hàm khi nhai.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Một lượng nhỏ phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai (tuy nhiên, không nên dùng sữa bò cho đến khi bé được 1 tuổi).
• Các loại ngũ cốc giàu chất sắt (gạo, lúa mạch, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc hỗn hợp).
• Trái cây và rau quả (chuối, đào, lê, bơ, cà rốt nấu chín, bí, khoai tây, khoai lang).
• Các loại thực phẩm bé có thể cầm tay và ăn (bánh mì nướng cắt nhỏ, chuối chín cắt lát, nui nấu chín, bánh quy giòn, bánh ngũ cốc ít đường hình chữ O).
• Một lượng nhỏ thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt xay nhuyễn, thịt gia cầm, cá không xương, đậu phụ, đậu Hà Lan, đậu đen).

Liều lượng mỗi ngày

• 1/4 đến 1/3 chén bơ sữa .
• 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc bổ sung chất sắt.
• 1/4 đến 1/2 chén trái cây.
• 1/4 đến 1/2 chén rau.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn giàu đạm.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không.

Giai đoạn 10 đến 12 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm

• Tương tự như khi bé 8-10 tháng.
• Bé nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
• Bé mọc răng.
• Bé không còn đẩy thức ăn ra khỏi lưỡi.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai (không nên dùng sữa bò cho đến khi 1 tuổi).
• Các loại ngũ cốc giàu sắt.
• Trái cây nghiền hoặc bóc vỏ và cắt thành từng miếng vuông.
• Rau hấp cho chín mềm, cắt thành miếng nhỏ.
• Các món ăn kết hợp (mì ống và phô mai, thịt hầm).
• Thực phẩm giàu chất đạm.
• Thực phẩm cho bé ăn bốc.

Liều lượng mỗi ngày

• 1/3 chén bơ sữa.
• 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc giàu sắt.
• 1/4 đến 1/2 chén trái cây.
• 1/4 đến 1/2 chén rau.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn kết hợp.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn giàu đạm.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không.

Lưu ý mẹ không thể bỏ qua khi cho con ăn uống ngày Tết

Vì phải tiếp đãi khách, thăm viếng họ hàng, đi chơi Tết... nên người lớn rất dễ làm đảo lộn giờ giấc ăn, ngủ của bé. Vì thế, bạn cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho con mình.

Với bé còn bú mẹ

1. Thức ăn:

Các món ngày Tết thường nhiều đạm, tẩm ướp gia vị và hương liệu. Vì thế, khi mẹ ăn vào có thể khiến mùi vị sữa thay đổi. Bé sẽ khó chịu và biếng ăn. Do đó, bạn nên hạn chế những món có nhiều tỏi, tiêu, càri... Một số món lên men như: dưa, kiệu, dưa chuột bao tử... không chỉ giúp bạn ăn ngon miệng hơn mà chúng còn chứa vitamin có tác dụng kích thích tiết sữa.

Lưu ý mẹ không thể bỏ qua khi cho con ăn uống ngày Tết
Ảnh Minh Họa

2. Đồ uống:

Cố gắng uống nhiều nước và tránh thức khuya để có đủ sữa cho bé bú. Ngay cả khi gia đình bận rộn, bạn cũng nên tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của con. Cho bé ăn và ngủ đúng giờ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể làm những món chế biến nhanh và vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho bé như: bột sữa, trứng, cháo thịt (bò, lợn) hay rau củ...

Nếu cả nhà cùng đi chơi, bạn có thể cho bé ăn bột dinh dưỡng hoặc thức ăn đóng hộp. Các bé ở độ tuổi này cũng cần bổ sung nhiều trái cây. Mâm ngũ quả ngày Tết chính là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho bé. Khi mua trái cây, bạn nên ưu tiên chọn các loại: vú sữa, quýt ngọt, đu đủ, xoài cát... Tránh cho con bạn ăn quả lạnh vì bé sẽ bị buốt răng và rất dễ viêm họng.

Với các bé đã có thhể dùng thức ăn như người lớn.

1. Thức ăn:

Những món thường gặp trong ngày Tết là giò chả, bánh chưng, mứt... Đây là các món chứa nhiều mỡ, có độ ngọt, chất béo cao. Những thứ giàu năng lượng này rất dễ gây béo phì cho trẻ, nhất là với bé phàm ăn. Bé cũng rất thích nhâm nhi bánh kẹo khi đi chúc Tết. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho con ăn vặt hoặc ăn quá nhiều đồ béo. Có thể nấu súp, bún hoặc miến để bé dễ tiêu hóa.

2. Đồ uống:

Ăn nhiều đồ béo, đi chơi và hoạt động nhiều, cơ thể trẻ cần được bổ sung nước thường xuyên. Hạn chế cho bé uống nước ngọt đóng hộp, các loại nước có ga. Vài miếng hoa quả tươi, cốc nước quả ép hay một ly cocktail trái cây nhiều màu sắc sẽ làm thực đơn ngày Tết của bé hấp dẫn hơn. Như thế, các bé cũng sẽ thích thú và ăn nhiều hơn.

3. Cho bé ăn đúng giờ:

Ngoài việc cố gắng giữ đúng giờ cho những bữa ăn chính vào buổi sáng, trưa và tối, bố mẹ có thể mang theo một ít bánh flan, sữa hộp, sữa chua... để cho bé ăn giữa cuộc dạo chơi, thăm hỏi.

Như thế, bạn vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa giúp con thoải mái vui chơi trong ngày Xuân.

Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm

Sau khi đã đi tất, mặc quần áo ấm cho bé, chị Thảo lấy kim băng cài đính liền tất với quần, quần với áo rồi mũ lại với nhau để dù bé có cựa quậy, đạp chăn ra thì con vẫn không bị hở và nhiễm lạnh.

Có cô con gái 3 tuổi hay ho hắng, ngay khi trời trở lạnh, chị Thảo (khu đô thị Sông Đà, Phạm Hùng, Hà Nội) đã nghĩ đủ cách để giữ ấm cho con. Mỗi sáng, trước khi đưa bé đi học, dù trường chỉ cách nhà chưa đầy 1km, chị vẫn phải bọc con kín mít. Chị mặc cho con một áo cotton thấm mồ hôi trong cùng, thêm áo len bên ngoài, tiếp một áo khoác nỉ mỏng rồi cuối cùng là một áo lông vũ to, dày. Phần dưới, cô bé được mặc một quần tất, rồi thêm chiếc quần nỉ, đi thêm tất chân trong chiếc bốt ấm

Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm
Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm
"Phải mặc cho con nhiều lớp thế để khi vào phòng ấm rồi cô có thể cởi bớt ra cho. Dù vậy mình vẫn lo lắm, chỉ sợ lúc đưa đi thì con còn khỏe, đón về lại thấy con ho, chảy nước mũi thì xót lắm", chị chia sẻ.

Chị Thảo cho biết, không chỉ lo giữ ấm cho con khi ngủ hay lúc đi lại trên đường, chị còn lo lắng khi quan sát trên camera của trường thấy khi ngủ trưa cháu tốc hết chăn ra, mà các cô cũng không để ý. Thế là, ngay hôm sau, chị đành gửi thêm một chiếc áo len của bố để cô giáo mặc cho cháu lúc ngủ trưa.

Lo cho cậu con trai 10 tháng tuổi, từ đầu mùa đông, chị Nhạn (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) đã phải sắm cho con vài bộ body ấm để khi mặc bé không bị hở bụng. "Cu cậu nhà mình đêm ngủ không chịu đội mũ, nên mẹ phải trải cái chăn ủ có mũ của con xuống rồi đặt nằm lên để che đầu cho con. Nghe kinh nghiệm của mấy bác lớn tuổi trong xóm, trước khi đi ngủ, mình lấy ít dầu tràm xoa vào lòng bàn chân, lưng, ngực con, rồi mới mặc ấm đi ngủ, trộm vía, thấy qua mấy đợt lạnh vừa rồi con vẫn ổn", chị Nhạn chia sẻ.

Chị cho biết, dù vậy, đêm chị vẫn phải thức dậy nhiều lần, khi thì để đắp thêm chăn cho con, lúc lại phải sờ gáy, lưng xem có ra mồ hôi không rồi lấy khăn lau khô.

Không chỉ vậy, mỗi lần thay đồ cho con, chị thường nhờ chồng ủi trước quần áo, để đồ bé mặc vừa khô hẳn, vừa ấm, lại diệt khuẩn.

"Thời tiết khắc nghiệt quá, mình mà không cẩn thận, con ốm như chơi, lúc đó thì còn mệt gấp nhiều lần", chị nói.

Chị Xuyến (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng phải thử đủ cách để giúp cậu con trai 2,5 tuổi không bị nhiễm lạnh, vì cậu bé rất hay tốc chăn khi ngủ.

Chị cho biết, mùa đông năm ngoái, vì chưa có kinh nghiệm, chị cứ mặc cho con quần áo bình thường rồi để nằm giữa bố mẹ trong chăn bông cho ấm, nhưng con toàn đạp chăn ra hoặc nhoài người nằm ngang tơ hơ trên đầu bố mẹ, khiến mấy lần bị cảm lạnh, ho hắng liên tục.

"Năm nay, mình tham khảo nhiều người, đã mua túi ngủ cho con, nhưng bé nhất định không chịu chui vào. Mặc ấm cho con ngay từ đầu thì sợ bé nóng, khó chịu, mà mặc mỏng thì lo con lạnh, mình bèn lấy chiếc áo gile cỡ to hơn 2 số so với con rồi mặc ngược để giữ ấm ngực cho bé. Mấy hôm trước trời lạnh quá, mình đã tự chế túi ngủ cho con, bằng cách lấy cái chăn thu ra, khâu kín 2 mép dọc lại, kéo khóa hai bên đến cổ. Với chiếc túi ngủ rộng rãi này con nằm trong thoải mái nên không đòi cởi ra", chị Xuyến chia sẻ kinh nghiệm.

Cậu con trai đầu lòng chào đời thiếu tháng, vào đúng những ngày đầu đông, nên ngay khi con còn nằm trong lồng kính viện Nhi, anh Tùng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã sắm ngay một chiếc máy sưởi để ở phòng bé. Thế nhưng, khi đón con về, anh phát hiện, máy sưởi không thể dùng liên tục được, nếu để gần thì bé nóng, lại gây khô da, mà để xa thì không ấm lắm, nên anh lại mua thêm một chiếc điều hòa hai chiều.

"Thế mà vẫn chưa xong đâu, điều hòa dùng nhiều cũng thấy khô lắm nên lại phải mua thêm chiếc máy tạo độ ẩm. Thế là bây giờ, để phục vụ cu con, nhà mình phải dùng đồng thời 3 thứ, khi nào thay tã, quần áo hay tắm rửa cho con thì bật máy sưởi, bình thường là để điều hòa ấm, máy tạo độ ẩm thì sử dụng thường xuyên, nhưng ngày vẫn phải hai lần mở cửa phòng cho thông không khí", anh Tùng cho biết.

Ông bố trẻ bộc bạch, vì sinh xong phải đưa con về quê luôn với ông bà cho có người chăm nên trong những ngày lạnh cóng này, không chỉ lo giữ ấm cho con, anh và gia đình còn lo "ủ" cho cả bà mẹ mới đẻ.

"Ở quê nhà không khép kín như ở Hà Nội nên vợ mình hầu như suốt ngày chỉ ở trong phòng ấm với con thôi, mỗi lần ra ngoài, chỉ là để đi vệ sinh hay rửa, là phải quấn kín mít như người ta trang bị để đi xe máy xa", anh kể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Lan, trưởng khoa hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, sau 3 ngày nghỉ lễ, số trẻ phải vào khoa điều trị rất đông, gây tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đa số bệnh nhi là các bé mắc hen, tái phát hen nặng hoặc trẻ nhỏ được giữ ấm quá, chứ ít trường hợp trẻ nhiễm bệnh do cảm lạnh.

Theo bác sĩ Lan, trong những đêm rét đậm này, bên cạnh việc cố gắng giữ cho con thật ấm, các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho con, tránh để trẻ quá nóng, ra mồ hôi rồi ngấm ngược. Với những trẻ lớn phải đi mẫu giáo, khi ra ngoài trời, bố mẹ nên để bé ngồi sau xe, mặc ấm, nhất là ở phần đầu, cổ, chân, đeo khẩu trang để bé tránh bụi, gió và hít phải khí lạnh.

"Hiện tại đang là mùa cúm, trẻ mắc cúm dễ sinh viêm tiểu phế quản, vì thế bố mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con thật tốt để nâng cao sức đề kháng cho bé, tránh để trẻ tiếp xúc với người lớn bị cúm", bác sĩ khuyến cáo.

Chăm sóc làn da bé yêu

Làn da của các bé rất nhạy cảm vì vậy bạn cần chăm sóc làn da mỏng manh của bé yêu một cách tốt nhất. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp thực hiện tốt điều đó.

Lưu ý cần biết

Da của bé yêu rất nhạy cảm, chính vì thế trước khi sử bất cứ loại kem bôi hay phấn rôm cũng như quần áo bạn cần phải chắc chắn rằng chúng không gây kích ứng và tổn thương cho da bé.

Khi lựa chọn quần áo cho trẻ, bạn nên chọn loại được làm từ chất liệu cotton vừa mềm, mịn lại có độ thấm hút tốt hơn.

Việc chăm sóc và vệ sinh cho da bé là điều rất cần thiết, tuy nhiên nó không có nghĩa là bé cần được thường xuyên tắm rửa hàng ngày. Mà trái lại việc tắm rửa thường xuyên cho bé còn khiến cho da bé trở nên khô hơn, mất đi độ ẩm tự nhiên.

Lưu ý trong khi tắm bạn cũng nên dùng các loại khăn mềm, được làm từ vải sợi để tắm cho bé yêu.

Một trong những điểm rất quan trọng khi chăm sóc cho da bé là hãy bảo vệ trẻ khói tác hại của ánh nắng mặt trời.

Đừng quên mặc áo dài tay (hoặc là áo chống nắng) cho bé khi đi trời nắng, thêm vào đó bạn cũng nên thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tấn công từ tia cực tím UVA và UVB nguy hiểm từ ánh nắng mặt trời.

Cũng xin nói thêm rằng, UVA và UVB cũng chính là “thủ phạm” hàng đầu gây nên chứng ung thư da, bạn cũng nên lưu ý, hạn chế cho trẻ ra nắng vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh nhất và dễ gây nên những tổn hại cho làn da bé.

Chăm sóc làn da bé yêu
Cần phải cẩn trọng với bất cứ chế phẩm nào muốn dùng trên da của bé
Các chứng bệnh thường gặp

Rôm sảy

Rôm sảy là một hiện tượng rất thường gặp đối với da của bé. Khi bị rôm da trẻ sẽ nổi lên những nốt nhỏ màu hồng, thường nằm dọc cơ thể. Bệnh này xuất hiện do nhiệt độ và độ ẩm cao cùng với tuyến mồ hôi chưa phát triển. Không mặc cho bé quá nhiều quần áo hay ở phòng có nhiệt độ cao. Mặc cho bé những bộ đồ rộng, thoáng. Vệ sinh làn da bé thật sạch sẽ và khô ráo.

Mụn

Những nốt hồng li ti trên mặt. Khi sinh ra, trẻ vẫn còn giữ lại những hormone của mẹ trong một thời gian ngắn vì vậy mà mụn có thể xuất hiện. Các đốm mụn này thường sẽ tự “bay” trong một vài tuần đầu tiên. Nếu không, bạn cần hỏi ngay chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Chàm bội nhiễm

Da có vẩy, tấy đỏ. Chứng viêm da do dị ứng hay còn gọi là eczêma là trạng thái đã được xác định về mặt di truyền học nên gần như không thể chữa khỏi.

Cách tốt nhất là luôn giữ cho làn da của bé được sạch sẽ và khô ráo. Có thể nói chuyện với bác sĩ khoa nhi hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể sử dụng một số sản phẩm dành cho da nhạy cảm được chỉ định đặc biệt cho trẻ.

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Nếu bạn băn khoăn khi con bạn bắt đầu vào tuổi ăn dặm thì hãy tham khảo vài loại thức ăn an toàn và nhiều dinh dưỡng dưới đây.

1. Táo tàu

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Không chỉ giàu vitamin và chất dinh dưỡng, táo tây còn có mùi vị dễ chịu, thích hợp với bé tập ăn dặm. Bé có thể dùng táo tây nghiền nhuyễn như bữa ăn phụ.

2. Quả bơ

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Các chất dinh dưỡng có trong quả bơ rất có lợi cho bộ não của bé. Bơ được xem là một trong những loại quả tốt nhất khi bé tập ăn dặm. Ngoài việc là món ăn thân thiện đầu tiên, bạn có thể trộn bơ với sữa chua, chuối và lê, giống như món kem trộn tuyệt vời cho bé.

3. Bí ngô

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Bí ngô giàu xơ nhưng lại ít kalo. Bí ngô trộn cùng bột gạo ăn dặm sẽ mang tới món ăn đẹp mắt. Nếu bé đã quen ăn dặm, có thể trộn bí ngô với thịt lợn hay thịt gà khi nấu bột (cháo) cho bé.

4. Khoai lang

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Khoai lang là loại củ khỏe mạnh và an toàn bậc nhất cho bé. Khoai lang cũng dễ dàng khi được thê vào bột ăn dặm cho con. Có nhiều cách nấu khoai lang nhưng nướng là cách giữ lại hương vị và dinh dưỡng của khoai tốt nhất. Luộc hoặc hấp là hai phương pháp hiệu quả tiếp theo.

5. Cà rốt

5 củ quả tốt cho bé ăn dặm

Carrot chứa nguồn beta-caroten dồi dào rất có lợi cho thị giác. Tuy nhiên, cần nghiền thật nhuyễn carrot vì bé có thể bị hóc, nghẹn do những mẩu li ti của carrot dù đã được nấu chín.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng

Để bé yêu có được sự phát triển răng miệng khỏe mạnh và toàn diện, cha mẹ nên chú ý tới vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ mọc răng ở trẻ.

Thời kỳ trẻ mọc 2 răng

Trẻ mọc 2 răng cửa thường là trong giai đoạn từ 4 đến 8 tháng. Trong thời kỳ này, trẻ bắt đầu giai đoạn mọc răng đầu tiên và sẽ bắt chước các hành động của người lớn như nhai đũa, thìa, mút tay…

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng


Các bà mẹ cần chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này. Các chuyên gia đã cho biết rằng, một số thực phẩm như khoai tây nghiền, lòng đỏ trứng hay cháo ngũ cốc là những loại thức ăn rất tốt cho trẻ.

Người lớn có thể tập cho trẻ nhận biết sự khác nhau của các loại thực phẩm, đó cũng là cách giúp thúc đẩy sự nhanh mọc răng ở trẻ nhỏ.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng

Trẻ mọc 2 răng cửa thường là trong giai đoạn từ 4 đến 8 tháng.

Thời kỳ trẻ mọc 4 răng

Trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tháng, hàm trên của trẻ sẽ có thể mọc thêm hai răng hoặc nhiều hơn. Lúc này, trẻ cần nhiều dinh dưỡng hơn nữa. Chính vì vậy, người lớn cần chú ý lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp với trẻ. Có thể làm thịt băm nhỏ, đậu hũ nghiền… để răng của trẻ quen với các loại thức ăn mới.

Tuy nhiên, có một điều mà người lớn cần chú ý, đó chính là khả năng nhai của trẻ lúc này là chưa tốt, chức năng tiêu hóa cũng chưa hoàn chỉnh. Bởi vậy nên các bà mẹ cần phải có kiến thức trong việc chọn lựa thực phẩm phù hợp với trẻ.

Thời kỳ trẻ mọc từ 6 đến 8 răng

Trong khoảng thời gian từ 9 đến 13 tháng, các răng của hàm trên sẽ mọc nhanh chóng, các răng ở hàm dưới thông thường sẽ mọc ở giai đoạn trẻ được từ 10 đến 16 tháng. Lúc này, răng của trẻ từ từ thích ứng với những loại thực phẩm rắn hơn, chức năng tiêu hóa cũng dần trở nên hoàn chỉnh. Người lớn có thể cung cấp cho trẻ những loại thực phẩm cứng như trứng, rau…

Thời kỳ trẻ mọc từ 8 đến 12 răng

Trong khoảng từ 13 đến 19 tháng thì các răng hàm của trẻ bắt đầu mọc. Với các răng hàm chính thì kỹ năng nhai của trẻ cần phải được tăng cường rất nhiều. Lúc này, trẻ sẽ rất hào hứng với việc người lớn đút cho trẻ ăn bằng cả thìa. Đây là thời kỳ người lớn cần tăng cường những thức ăn rắn cho trẻ, chẳng hạn như bánh mì mềm, gạo, rau, thịt…

Trẻ mọc từ 12 đến 20 răng

Trong giai đoạn từ 16 đến 20 tháng, các răng của trẻ đã dần hoàn thiện và ổn định. Người lớn đã có thể cho trẻ ăn các thực phẩm phổ biến như gạo, mì, đậu tương…

Sử dụng chất béo hợp lý cho trẻ

Việc sử dụng chất béo đầy đủ, đa dạng sẽ giúp trẻ hấp thu tốt một số dưỡng chất, có đủ năng lượng, nguyên liệu để phát triển về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, đừng vì thế mà bạn quá lạm dụng chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ, điều đó có thể có hại nhiều hơn là có lợi.

Chất béo (lipid) là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng chính cấu tạo nên khẩu phần ăn, có vai trò quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động cao gấp đôi chất bột đường và chất đạm, là nguồn dự trữ năng lượng lớn nhất và là nguồn cung cấp các a-xít béo cần thiết…

Chất béo còn đóng vai trò trong cấu tạo màng tế bào tất cả các mô, đặc biệt là tế bào thần kinh và võng mạc, ngoài ra còn giúp tạo nên một số hormone và các hóa chất trung gian quan trọng trong cơ thể. Việc sử dụng chất béo thế nào cho hợp lý, đặc biệt với cơ thể của trẻ em là điều rất quan trọng.
Sử dụng chất béo hợp lý cho trẻ

Sử dụng chất béo hợp lý cho trẻ
Nhu cầu về chất béo ở trẻ là khá lớn nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều
Dầu thực vật dễ hấp thu?

Các bà mẹ cũng như nhân viên các bếp ăn phục vụ cho trẻ nên chú ý: Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, chất béo ở trạng thái lỏng được gọi là dầu, ở trạng thái đặc thì được gọi là mỡ. Tính chất sinh học và vai trò của chất béo phụ thuộc vào các a-xít béo cấu tạo nên.

Trong số hàng trăm loại a-xít béo, có 2 loại cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải nhận vào từ bên ngoài (gọi là các a-xít béo thiết yếu). Đó là a-xít linoleic (có nhiều trong dầu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu rum safflower, dầu bắp, dầu ô liu… ) và a-xít linolenic (có nhiều trong dầu nành, hạt cải…).

Các nhà khoa học còn chia a-xít béo thành a-xít béo no và a-xít béo không no. Sở dĩ người ta hay nói dầu thực vật dễ hấp thu hơn mỡ động vật là do trong dầu thực vật có nhiều a-xít béo không no hơn so với mỡ động vật. A-xít béo không no có nhiều trong sữa mẹ, hải sản… còn a-xít béo no có nhiều trong mỡ động vật (trừ mỡ cá), dầu dừa, dầu cọ.

Cơ thể trẻ rất cần chất béo

Ở người lớn, việc sử dụng chất béo quá mức, nhất là các loại chất béo no và cholesterol có liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch và cao huyết áp, do đó cần giới hạn ở khoảng 15%-20% tổng năng lượng và giảm chất béo no cũng như cholesterol.

Đối với trẻ em, việc sử dụng chất béo hợp lý cực kỳ cần thiết cho sự phát triển. Trọng lượng của trẻ tăng gấp đôi sau khi được 5 tháng tuổi, gấp 3 lúc 1 tuổi, gấp 4 lúc 2 tuổi. Não của trẻ cũng tăng gấp 3 khi trẻ 1 tuổi, đạt 80% não người lớn lúc 2 tuổi, bằng não người trưởng thành khi trẻ 6 tuổi, mà chất béo thì lại chiếm đến 70%-85% cấu tạo của não và dây thần kinh. Do đó, thời gian này trẻ cần năng lượng và chất béo rất nhiều.

Trẻ càng nhỏ, tổng lượng chất béo sử dụng càng cao. Ví dụ trẻ sơ sinh cần đến 50% năng lượng từ chất béo, trẻ dưới 1 tuổi cần 40% và trẻ 1 đến 2 tuổi cần 30% đến 35%. Trẻ dưới 2 tuổi rất cần được cung cấp cholesterol để hoàn thiện não và hệ thần kinh nên phải có nguồn chất béo động vật.

Trong khẩu phần ăn của trẻ, ngoài lượng chất béo có sẵn trong sữa, các bà mẹ nên chú ý bổ sung cho đủ lượng chất béo được khuyến nghị, bởi thực tế cho thấy đa số trẻ suy dinh dưỡng đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đều do có khẩu phần ăn chưa đủ chất béo. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lạm dụng chất béo trong khẩu phần ăn và nhớ chọn loại dầu mỡ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không tái sử dụng chất béo

Cũng nên chú ý rằng chất béo không no rất dễ bị ô xy hóa, nhất là ở nhiệt độ cao, sinh ra nhiều chất độc, do đó việc bảo quản cần kỹ càng hơn và không được dùng để nấu ở nhiệt độ quá cao. Muốn tránh nguy cơ tạo thành những chất độc cho cơ thể thì không nên tái sử dụng chất béo (chiên xào nhiều lần), chọn loại dầu mỡ thích hợp cho từng cách chế biến và không nấu chất béo ở trên nhiệt độ bay hơi đã được ghi chú cụ thể cho từng loại dầu mỡ.

Nhiệt độ bay hơi cao thích hợp cho chiên rán ngập là dầu cải, dầu bắp, dầu hướng dương và dầu rum. Loại dầu ít chất béo no chọn để dùng trong trộn salad và chiên xào nhanh là dầu cải, dầu bắp, dầu ô liu, hướng dương, rum, mè, nành… Nên hạn chế dùng loại có nhiều chất béo no.

Sử dụng nhiều loại để có hiệu quả cao

Để cung cấp loại chất béo phù hợp với cơ thể của trẻ, một trong những vấn đề rất cần được quan tâm là tỉ lệ a-xít linoleic/a-xít -linolenic (tỉ lệ hợp lý: 4 đến 10/1). Sử dụng nhiều loại dầu thực vật và mỡ động vật khác nhau sẽ bổ sung cho nhau để có hiệu quả cao nhất.

Sử dụng chất béo đầy đủ, đa dạng, hơp lý sẽ giúp trẻ nhận được đủ năng lượng, đủ nguyên liệu để phát triển thể chất và trí tuệ. Chất béo cũng làm cho món ăn ngon hơn, hợp khẩu vị của trẻ hơn.

Chỉ giới hạn chất béo khi trẻ đã qua giai đoạn hoàn thiện hệ thần kinh và thừa cân, béo phì hoặc có một số bệnh lý đặc biệt.

Để biết rõ hơn về việc giới hạn sử dụng chất béo ở mức độ nào cho phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của trẻ và bổ sung đủ các a-xít béo thiết yếu cũng như vitamin tan trong dầu, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dinh dưỡng nhi khoa.