Hiển thị các bài đăng có nhãn Chăm sóc sức khỏe cho bé. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chăm sóc sức khỏe cho bé. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Làm mát cho con yêu trong những ngày khô nóng

Những ngày mùa hè oi ả hay ngày mùa khô hanh nóng mang đến một thử thách không nhỏ đối với các bà mẹ: Làm thế nào để con luôn thoải mái, mát mẻ, không "bốc mùi" với mồ hôi và bứt rứt vì nổi rôm sảy?

Thời tiết khô nóng không chỉ khiến các khó chịu, bức bối trong những lớp quần áo mà còn dễ bị hăm, rôm sảy và gia tăng khả năng cháy nắng, say nắng. Đối với bé mới sinh, ngủ sâu trong thời tiết nóng bức cũng dễ có nguy cơ bị mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hơn. Chính vì vậy, các mẹ nên chú ý hơn đến việc chăm sóc bé trong những ngày nóng.
Chọn đúng loại quần áo
Nếu đang ở trong nhà, hãy cho con mặc quần áo rộng rãi, mỏng nhẹ và được làm từ những chất liệu tự nhiên như cotton chẳng hạn. Những loại vải như cotton sẽ thấm hút mồ hôi tốt hơn vải dệt từ sợi nhân tạo. Nếu ra ngoài trời, bố mẹ có thể cho bé mặc quần áo dài tay, đội nón rộng vành để che đầu và mặt, đồng thời tránh để da bé tiếp xúc với ánh nắng khi mặt trời đã lên cao vì các tia sáng có hại có thể xuyên qua các đám mây và gây nguy hiểm cho làn da của bé. 
Luôn để bé ở nơi thoáng khí
Khả năng tự điều hòa thân nhiệt của bé không tốt như người trưởng thành nên bé rất dễ bị tăng nhiệt độ khi trời nóng bức. Đó là lý do các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo bố mẹ không nên để bé ở một mình ở những nơi không thoáng khí như xe hơi hay phòng kín, chỉ một vài phút trôi qua, bé có thể phát sốt hoặc bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng địu và xe đẩy loại mỏng, nhẹ
Trong khí hậu nhiệt đới, bố mẹ nên chọn những loại đai, địu hay xe đẩy bằng chất liệu mỏng và thông thoáng. Ngay khi mẹ nhận thấy những dấu hiệu nóng bức ở bé như mặt đỏ, đổ mồ hôi, bứt rứt và quấy khóc, hãy cho bé ra khỏi địu hay xe đẩy ngay.
Cho bé uống đủ nước
Khi chăm sóc bé, bố mẹ nên chú ý, dù cho không có mồ hôi chảy ra trên trán bé, nhiệt độ cao vẫn có thể khiến con mất nước. Những dấu hiệu báo động tình trạng mất nước bao gồm da ửng đỏ, nóng, bồn chồn, bứt rứt, thở nhanh. Ngay lúc này, bé cần được bù nước bằng cách cho bú, uống sữa hoặc nước. Lưu ý, trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước mà chỉ dùng sữa. Trong mùa hè hoặc ngày nóng, bé cần được uống nhiều hơn bình thường khoảng 50%.
Vui chơi ngoài trời một cách khôn ngoan
Nếu có dự định đi chơi ngoài trời, bố mẹ hãy tránh khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Đây là lúc ánh sáng mặt trời có sức “công phá” làn da cao nhất.

Làm mát cho con yêu trong những ngày khô nóng
Mặc dù việc vui chơi ngoài trời rất tốt cho sự phát triển của bé, bố mẹ nên chọn lựa giờ giấc hợp lý để tránh tổn hại sức khỏe của con nhé
Tìm những bóng râm
Khi bố mẹ và bé vui chơi ở bãi biển hay công viên, hãy tìm nơi “trú ẩn” an toàn khỏi ánh nắng gay gắt như bóng cây, ô dù, hay một chiếc chòi. Nếu thường xuyên đi du lịch, sao bố mẹ không tự sắm cho mình một chiếc lều vải để cả nhà cùng thoải mái ngồi trong đó nghỉ xả hơi và tránh bị nắng làm phiền nhỉ? Và nhớ tìm “bóng râm” cho đôi mắt, đó là những cặp kiếng mát thích hợp với độ tuổi của từng thành viên trong gia đình nhé.
Dùng kem chống nắng
Kem chống nắng là lá chắn bảo vệ làn da mỏng manh của bé trước những tác động tiêu cực từ các tia trong ánh nắng mặt trời. Đối với các bé dưới 6 tháng, một lượng nhỏ nhất theo hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng kích ứng da.
Ngoài ra, mẹ có thể cân nhắc sử dụng thêm các loại sản phẩm làm dịu da trong trường hợp bé bị nổi sảy, nhưng với trường hợp da bị cháy nắng thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
Sử dụng quạt và máy lạnh hợp lý
Quạt máy và máy lạnh là hai thiết bị cần thiết để giảm bớt sức nóng nhưng liệu bố mẹ đã sử dụng chúng hợp lý chưa?
Đối với quạt:
-Không để quạt thổi trực tiếp liên tục vào người bé mà nên để quạt quay.
-Không để quạt thổi vào người bé khi đang ra mồ hôi
-Hạn chế dùng quạt hơi nước vì độ ẩm quá cao có thể gây ẩm mốc
Đối với máy lạnh:
-Không nên đưa bé vào phòng máy lạnh đột ngột ngay sau khi ở ngoài trời nóng vào nhà.
-Không để bé nằm điều hòa quá 4 tiếng.
-Tránh để máy lạnh phả thẳng vào đầu hay mặt bé
-Nên để một chậu nước dưới điều hòa để làm không khí trong phòng bớt khô.
Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh.


Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

8 lỗi sai khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Các bà mẹ mới sinh con hoặc sinh con lần đầu thường gặp 8 lỗi sai sau đây khi chăm sóc trẻ, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Cố định tư thế ngủ cho trẻ

Nghe nói trẻ nằm nghiêng sẽ làm cho đầu bẹp, nằm sấp dễ gây nghẹt thở, vì vậy mỗi lần trẻ ngủ say trong lòng mình, nhiều bà mẹ đều nhẹ nhàng đặt con xuống giường và chỉnh thẳng đầu của trẻ và dùng gối nhỏ chắn hai bên.

Cách làm chuẩn: Khi trẻ ở trong bào thai mẹ luôn giữ tư thế tay chân cuộn tròn, sau khi chào đời, trong 24 giờ sau trẻ vẫn nằm ở tư thế nghiêng. Nếu nằm ngửa trong thời gian dài sẽ làm cho đầu trẻ bị bẹt. Tốt nhất các bà mẹ nên thường xuyên trở người cho trẻ, lần này nằm nghiêng bên trái, lần sau nằm ngửa, lần tiếp theo nghiêng bên phải, như vậy mới làm cho đầu trẻ tròn đều.

Nếu mới uống sữa xong các bà mẹ cần chú ý cho trẻ nằm nghiêng, không được nằm ngửa để tránh bị nghẹn, sặc sữa. Khi nằm nghiêng chú ý không chèn vào vành tai của trẻ, nếu không tai trẻ sẽ bị gập lại rất xấu.

8 lỗi sai khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Đánh thức thay tã khi trẻ tè

Sợ trẻ tè dầm, cách một vài tiếng các bà mẹ lại thay tã ngay cho trẻ vì sợ trẻ bị bẩn, ngứa ngáy và ngủ không say giấc. Nhưng khi trẻ đang ngủ bị đánh thức thay tã đã khóc toáng lên, khó chịu.

Cách làm chuẩn: Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng, nếu chỉ vì trẻ tè dầm mà hy sinh giấc ngủ của trẻ thì không đáng. Hãy dùng loại tã thấm hút chất lượng để không làm ướt mông của trẻ, nếu trẻ tè ướt khó chịu, trẻ sẽ khóc nhắc nhở mẹ thì mẹ mới thay tã, không nhất thiết phải đánh thức trẻ để thay tã.

Để đèn khi ngủ

Nhiều bà mẹ để thuận tiện chăm sóc trẻ lúc đêm và để cho trẻ có cảm giác an toàn cho nên ban đêm toàn sử dụng đèn ngủ.

Cách làm chuẩn: Tắt hết đèn khi đi ngủ. Ánh đèn ở đầu giường không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thị lực. Chính nguồn ánh sáng đèn sẽ gây ra một loại áp lực ánh sáng yếu nhẹ cho cơ thể, loại áp lực ánh sáng này tồn tại lâu dài sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, căng thẳng, khó chìm vào giấc ngủ.

Ngoài ra, thời gian dài ngủ trong ánh đèn còn ảnh hưởng đến hệ kích hoạt võng mạc, làm rút ngắn thời gian giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ bị đánh thức. So sánh với trẻ ngủ trong bóng tối, trẻ để đèn khi ngủ có tỉ lệ bị cận thị cao hơn 4 lần.

Khi ngủ mặc quần áo quá nhiều

Sợ trẻ khi ngủ bị lạnh, nhiều bà mẹ cho trẻ mặc nhiều quần áo giữ ấm cho trẻ, để trẻ không bị lạnh người và bụng.

Cách làm đúng: Không nên cho trẻ mặc quá nóng khi ngủ. Độ ẩm trong chăn khá cao, khi ngủ sự trao đổi chất trong cơ thể trẻ cũng mạnh và dễ gây ra “chứng nóng nhiệt tổng hợp”, làm cho trẻ ướt đẫm mồ hôi, thậm chí gây ra kiệt sức. Ngoài ra, mùa đông sử dụng thảm điện cũng sẽ làm cho nhiệt độ quá cao dẫn đến mất nước mức độ nhẹ từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sữa pha quá đặc

Nhiều phụ huynh cho rằng khi pha sữa cho trẻ nên pha đặc một chút, như vậy mới đảm bảo đủ dinh dưỡng và giúp trẻ ăn no, đặc biệt sẽ giúp trẻ gầy gò to lớn mập mạp hơn.

Cách làm chuẩn: Sữa bột không nên quá đặc hay quá loãng. Hàm lượng natri trong sữa đặc cao gấp đôi cơ thể, nồng độ sữa càng cao lượng natri càng nhiều, như vậy dễ làm cho nồng độ natri trong máu của trẻ tăng cao, gây ra các triệu chứng điển hình như táo bón, huyết áp tăng cao hay co giật, hôn mê v.v…

Uống nước hoa quả quá sớm

Có bà mẹ, trẻ mới 2-3 tháng đã bắt đầu cho uống nước hoa quả, nghĩ rằng như vậy sẽ bổ sung đủ lượng nước và vitamin cho trẻ.

Cách làm chuẩn: Ít nhất phải đến 4 tháng mới cho trẻ uống nước hoa quả. Sữa mẹ có thể cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ và cũng là nước uống dinh dưỡng thiên nhiên hoàn mỹ nhất. Ngoài ra còn bao gồm nước và đại bộ phận vitamin. Vì vậy, trong vòng 4 tháng đầu chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ là đủ, không cần thêm nước và các loại đồ uống khác bên ngoài.
lỗi sai khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Cho trẻ ăn trứng quá sớm

Sau 4 tháng, có bà mẹ nấu súp từ trứng gà cho trẻ ăn bởi cho rằng súp trứng gà dễ tiêu hóa, dinh dưỡng toàn diện.

Cách làm chuẩn: Dưới 1 tuổi, chỉ nên cho trẻ ăn lòng đỏ trứng. Lòng trắng trứng và bên ngoài vỏ trứng có chất gây dị ứng, cho trẻ ăn trứng quá sớm dễ gây ra các bệnh liên quan đến dị ứng như chàm, nổi mề đay vv. Nếu trẻ bị phát ban và nấm ngoài da, sau khi ăn canh trứng sẽ làm cho triệu chứng nặng thêm và phát sinh trở lại.

Sử dụng bình sữa cho trẻ ăn thức ăn rắn

Một số ông bố, bà mẹ lo lắng trẻ ăn quá ít hoặc quá bận rộn, sợ phiền phức nên cho phở, bún, đồ ăn dặm vào trong bình sữa, như vậy giúp trẻ hút nhanh hơn.

Cách làm chuẩn: Dùng thìa đút cho trẻ ăn. Cho trẻ ăn thức ăn dặm qua bình sữa sẽ tăng thêm lượng thức ăn cho trẻ và có thể làm cho trẻ nặng nề và béo phì, đồng thời làm trẻ mất đi cơ hội luyện tập hàm nhai. Trên thực tế, mục đích quan trọng cho trẻ ăn thức ăn đó là cho trẻ hiểu quá trình thức ăn vào trong bụng.

Theo – VTC


Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Hướng dẫn tắm trẻ sơ sinh an toàn tại nhà ngày hè

Với những người ông bố bà mẹ có con đầu lòng, việc tắm cho bé có thể là cả một thử thách.

Hướng dẫn tắm trẻ sơ sinh an toàn tại nhà ngày hè


Trẻ sơ sinh rất mỏng manh và non nớt nên việc tắm cho các bé có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, e dè. Dưới đây là những hướng dẫn cơ bản về việc tắm cho trẻ sơ sinh an toàn, đúng cách.

Một số chú ý khi tắm cho bé:

- Quy tắc đầu tiên và quan trọng hàng đầu khi cho trẻ tắm là: Tuyệt đối không bao giờ để trẻ một mình mà không có người giám sát. Trẻ nhỏ có thể bị chết đuối ở mực nước chỉ khoảng 2,5 cm và trong vòng chưa đầy 60 giây. Do đó, hãy chuẩn bị sẵn sàng tất cả các vật dụng bạn cần khi cho trẻ tắm (sữa tắm, khăn, tã giấy,...) để không phải chạy đi chạy lại lấy đồ mà “bỏ rơi” con, và nhớ luôn giữ bé bằng ít nhất một tay khi bé đang ở trong nước. Nếu chuông cửa nhà hoặc chuông điện thoại reo, nhớ bế bé lên với một chiếc khăn tắm và mang bé đi theo cùng bạn.

- Không đặt bé vào bồn tắm khi vòi nước vẫn đang chảy vì nhiệt độ nước có thể thay đổi hoặc nước có thể dâng quá cao. Bé có thể sẽ bị bỏng hoặc ngạt trong nước chỉ trong vài giây chỉ vì một vòi nước đang chảy.

- Nhiệt độ nước tắm cho trẻ không được phép quá lạnh hay quá nóng, khoảng tầm từ 37-38 độ C như thân nhiệt cơ thể người là tốt nhất.

- Bồn tắm thường rất trơn trượt nên mẹ cần trang bị thêm một chiếc thảm cạnh bồn tắm để tăng tính an toàn. Mẹ cũng nên mua một chiếc kẹp vòi nước để bảo vệ đầu bé khỏi va đập.

- Để các đồ điện tử (như máy sấy tóc, bàn là,...) cách xa khu vực bồn tắm

Quy trình tắm cho bé:

1. Chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết ngay bên cạnh (sữa tắm, khăn tắm, tã giấy sạch, quần áo của trẻ,...). Giữ cho nhiệt độ phòng ấm áp để bé không bị lạnh.

2. Trước khi tắm cho bé bạn nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước tắm hoặc chạm khuỷu tay vào bồn tắm để đảm bảo rằng nước không quá nóng hoặc quá lạnh

Hướng dẫn tắm trẻ sơ sinh an toàn tại nhà ngày hè
Trước khi tắm cho bé, bạn nên kiểm tra lại nhiệt độ nước tắm bằng nhiệt kế hoặc chạm khuỷu tay vào bồn tắm. (Ảnh minh họa)

3. Mang bé đến khu vực tắm và cởi bỏ quần áo cho bé. Nếu mỗi lần đưa đi tắm bé đều khóc, hãy cứ để bé đeo bỉm khi tắm trong những lần đầu để bé gia tăng cảm giác an tâm khi ở trong nước.

4. Từ từ đưa chân bé vào trong bồn tắm trước, dùng một tay để đỡ cổ và đầu bé. Rót từng gáo nước tắm lên người bé trong suốt quá trình tắm để bé không bị lạnh.

5. Nhúng khăn ướt vào sữa tắm nhưng chỉ với một lượng cực kì nhỏ và phải là loại sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, không gây kích ứng. Lấy khăn để lau cho bé từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Bắt đầu bằng lau da đầu bé với một tấm khăn ướt, thấm sữa tắm. Giũ khăn cho hết sạch sữa tắm rồi nhẹ nhàng lau mắt, mặt bé. Đừng quên rửa bộ phận sinh dục cho bé, đây là khu vực cần phải được làm sạch hàng ngày.

6. Dùng gáo nước dội sạch khắp người cho bé và lau lại cho bé bằng khăn sạch. Nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi bồn với một tay đỡ cổ và đầu bé, một tay đỡ mông bé. Vì người trẻ nhỏ rất trơn khi đang ướt, bạn nên nhờ một người nữa cầm giúp khăn lau khô và đỡ lấy bé.

7. Quấn bé trong khăn tắm và vỗ vỗ khẽ cho bé khô. Sau đó, thay tã, mặc quần áo cho bé xong xuôi là mẹ có thể đặt một nụ hôn ngọt ngào lên trán con yêu rồi đấy.


Theo Eva


Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

10 sai lầm trong chăm sóc trẻ sơ sinh

Sợ con lạnh nên quấn kín trẻ, cắt tỉa để mi được dài và cong, cho bé nằm cùng bố mẹ là những sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải

Quấn trẻ thật kín vì sợ bé lạnh

Nhiều phụ huynh thấy trẻ còn non nớt, sợ bé bị cảm lạnh nên sử dụng tã quấn quá kín hoặc dùng khăn quấn chặt cơ thể bé, tuy nhiên theo các bác sĩ Hội Chu sinh - sơ sinh TP HCM, đây là điều không nên làm.

10 sai lầm trong chăm sóc trẻ sơ sinh
Quấn trẻ quá kín không tốt cho sự phát triển của da và dễ gây nhiễm trùng. Ảnh: Thiên Chương

Theo các bác sĩ, việc quấn trẻ quá kín sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của da bởi bao bọc quá kín khiến những chất thải tiết ra từ cơ thể trẻ cùng với mồ hôi sẽ không thoát ra ngoài, trong đó, thành phần chính của chất thải chứa rất nhiều CO2, đây là những chất không có lợi. 

Một số trường hợp do người lớn quấn trẻ quá kín đã khiến da của bé bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, nguy hiểm hơn là gây ảnh hưởng đến tính mạng. 

Đặt con nằm cùng bố mẹ

Khảo sát tại các trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh tại TP HCM cho thấy, rất nhiều gia đình có thói quen để con nằm giữa khi ngủ với lý do có thể dễ quan sát và chăm sóc, tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này là hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ bởi người lớn cần nhiều ôxy hơn so với trẻ nhỏ.

Trẻ sẽ khó thở vì không lấy được ôxy, ngoài ra lượng CO2 do người lớn thải ra không thoát được sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ luôn bất an, ngủ không ngon giấc và quấy khóc nhiều lúc nửa đêm. 

Dùng chất tẩy và nước giặt để giặt quần áo cho trẻ

Đây là điều cần hạn chế bởi theo các bác sĩ, trong chất tẩy và các loại nước giặt đều chứa nhiều sulfonate alkyl benzen và nhiều chất hóa học khác. Nếu giặt xả không sạch, thành phần hóa học này có thể sẽ khiến da của trẻ bị nhiễm độc và dị ứng.

Cắt tỉa lông mi cho bé để mi dài và cong

Từ lời truyền miệng trong dân gian, khi thấy bé có lông mi quá ngắn hoặc thẳng, nhiều phụ huynh chọn cách cắt lông mi cho bé với hy vọng sau khi cắt, lông mi có thể mọc dài và cong hơn. Tuy nhiên đây là suy nghĩ không đúng.

Theo các bác sĩ, lông mi chỉ tồn tại trong khoảng 3 tháng và trong quá trình lông bị "chết đi" sẽ có lông mới mọc lên thay thế. Việc mi dài hay ngắn, cong hay thẳng chủ yếu phụ thuộc vào thể chất của từng bé chứ không liên quan đến việc cắt bỏ cho mọc mới.

Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh, cắt lông mi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ bởi lông mi có vai trò ngăn ngừa bụi và các chất khác trực tiếp tác động vào mắt. Chính vì thế, sau khi cắt lông mi, mắt có thể bị nhiễm bụi và mắc nhiều bệnh hơn.

Mặc ngay quần áo mới mua chưa qua giặt xả

Đây là việc không nên làm bởi trẻ có thể bị dị ứng da và tổn thương vì chất vải mới. Đối với những loại quần áo bông, nên mua cỡ lớn hơn vì rất có thể sau khi giặt, quần áo sẽ co lại và nhỏ hơn so với ban đầu khiến trẻ bứt bối.

Một lưu ý khác, khi chọn mua quần áo cho trẻ, nhất là áo len, phụ huynh cần chọn bằng cách áp mặt hoặc vùng da nhạy cảm vào mặt len để kiểm tra độ ma sát. Nhiều loại len xấu dày có thể khiến trẻ bị ngứa, thậm chí trầy xước và nhiễm trùng nếu trẻ gãi.

Mang tất và găng tay không qua kiểm tra

Cần lộn trái để kiểm tra các loại tất, găng tay, vì bên trong có thể có các vật lạ còn sót lại, hoặc các sợi chỉ có thể quấn ngón tay ngón chân của trẻ, hoặc thậm chí các loại côn trùng có thể chui vào bên trong.

Trùm mặt trẻ bằng vải the khi chở trẻ bằng xe máy

Các bệnh viện Nhi tại TP HCM từng tiếp nhận bé bị ngạt chỉ vì bố mẹ sợ bụi nên trùm mặt trẻ bằng tấm vải the khi chở bé đi tiêm phòng hoặc đi khám bệnh bằng xe máy. Nguyên nhân dẫn đến ngạt là do gió tấp vải the vào mũi ngăn ôxy trong khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể dùng tay tháo tấm che ra.

Không nên đặt hoa trong phòng ngủ của trẻ

Trẻ rất nhạy cảm cho nên rất dễ bị dị ứng với các loại hóa chất trong đó có phấn hoa. Ngoài ra, một số loài hoa có chứa độc tố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như lá và hoa trúc đào, hoa đinh hương, hoa nhài có mùi quá mạnh sẽ gây dị ứng, xương rồng có gai dễ làm trẻ bị thương.

Một điều cần lưu ý khác là tuyệt đối không đặt trẻ trong căn phòng vừa xịt thuốc diệt muỗi. Các loại thú cưng như chó mèo cũng không nên cho trẻ tiếp xúc gần.

Không nên tắm quá kỹ cho trẻ

Da của trẻ rất nhạy cảm và mỏng, chính vì thế dưới da có rất nhiều mạch máu, nếu tắm cho trẻ quá kỹ bằng xà phòng chứa nhiều kiềm mạnh sẽ khiến da mẩn đỏ và giảm chức năng bảo vệ.

Phơi nắng kéo dài để trị bệnh vàng da

Theo các bác sĩ, phơi nắng sớm cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng điều trị vàng da. Với trẻ sơ sinh, vàng da sinh lý sẽ tự khỏi mà không cần phơi nắng. Riêng vàng da bệnh lý thì biện pháp phơi nắng không đủ để điều trị khỏi bệnh. Khi thấy trẻ vàng da kéo dài, thay vì phơi nắng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được điều trị.

Thiên Chương


Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Thời gian ngủ cho trẻ theo từng độ tuổi

Tùy từng độ tuổi khác nhau, nhu cầu về giấc ngủ của các bé cũng sẽ khác nhau. Thiếu ngủ có thể làm ảnh hưởng tâm trạng của bé, dẫn đến những hành vi tiêu cực. Hơn nữa, theo các chuyên gia, những bé được ngủ đủ giăc sẽ thông minh hơn những bé khác. Blog Nuôi Dạy Con mách mẹ thời gian ngủ "tiêu chuẩn" của con nhé!

Thời gian ngủ cho trẻ theo từng độ tuổi
Độ tuổi khác nhau, bé sẽ có khoảng thời gian ngủ lý tưởng khác nhau
1/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 4 tuần tuổi

Trẻ độ tuổi này thường sẽ ngủ từ 15-18 giờ một ngày, nhưng mỗi lần chỉ khoảng 2-4 tiếng. Trong khi những bé sinh non sẽ có xu hướng ngủ lâu hơn, những bé đang bị đau bụng sẽ có giấc ngủ ngắn hơn.

Trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp sinh họ, theo kịp chu kỳ ngày và đêm của mẹ. Do đó, bé chưa có khung giờ cố định cho giấc ngủ.

2/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi

Trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi cần khoảng 14-15 giờ ngủ mỗi ngày. Khi được sáu tuần tuổi, bé bắt đầu hình thành khung giờ ngủ cố định. Tại một giờ cố định trong ngày, bé sẽ có một giấc ngủ kéo dài 6 tiếng và có xu hướng ổn định thường xuyên hơn vào buổi tối.

3/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi

Thời gian ngủ lý tưởng cho trẻ em 4 đến 12 tháng tuổi là 15 giờ một ngày, nhưng hầu hết trẻ chỉ ngủ khoảng 12 tiếng. Điều quan trọng là thiết lập thói quen ngủ đúng giờ ở thời điểm này để khuyến khích trẻ ngủ và giao tiếp xã hội nhiều như người lớn. Giấc ngủ cố định thường xuyên sẽ khích lệ giúp nhịp sinh học hình thành bình thường.

Các bé sơ sinh sẽ dành phần lớn thời gian của mình để ngủ. Giống như một robot được lập trình sẵn, bé sẽ có những giấc ngủ ngắn từ 2 đến 3 tiếng giữa các bữa ăn kể cả ngày lẫn đêm. Vì vậy mẹ đừng quá lo ngại nếu như thấy bé cưng cứ ngủ suốt mà chẳng chịu chơi đùa gì nhé!

4/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Ở giai đoạn từ 18-21 tháng, bé có thể sẽ chỉ có một giấc ngủ ngắn trong ngày, nhưng trẻ mới biết đi vẫn cần đến 14 giờ mỗi ngày. Hầu hết trẻ tập đi sẽ cần giấc ngủ kéo dài 10 tiếng. Trẻ em 21-36 tháng vẫn sẽ cần một giấc ngủ ngắn, có thể dài 1-3 giờ. Mẹ nên khuyến khích bé ngủ từ khoảng 7-9 giờ tối đến 6-8 giờ sáng.

5/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Ở lứa tuổi này, bé vẫn sẽ cần một giấc ngủ ngắn mỗi ngày, nhưng nhiều bé bỏ qua điều này vào khoảng 5 tuổi. Ngủ trưa là khoảng thời gian quan trọng, giúp trẻ phục hồi năng lượng. Bé sẽ cần từ 10-12 tiếng cho giấc ngủ mỗ ngày.

6/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi

Hầu hết trẻ 12 tuổi sẽ lên giường khoảng lúc 9 giờ, nhưng giờ đi ngủ có thể khác nhau rất nhiều. Lượng thời gian bé ngủ ở tuổi này cũng sẽ khác nhau. Trẻ em ở độ tuổi này cần được khuyến khích ngủ 10-11 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ ngủ khoảng 9 tiếng mỗi ngày.

7/ Thời gian cần cho trẻ từ 12 trở lên

Thanh thiếu niên cần ngủ để được khỏe mạnh và duy trì một trạng thái tinh thần tối ưu, do đó con thực sự cần giấc ngủ nhiều hơn giai đoạn trước. Mẹ nên khuyến khích bé ngủ 8-9 tiếng mỗi ngày.

Trẻ sơ sinh thường không hoàn toàn tuân theo sự định hướng chăm sóc do người lớn đề ra. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhẹ nhàng áp dụng một số quy tắc giúp cả bé lẫn mẹ được thư giãn và tận hưởng khoảng thời gian đầu đời đáng yêu này. Mỗi khi cảm thấy lo lắng vì bé ngủ quá ít, ăn quá nhiều hay bé...

8/ Bí quyết giúp con ngon giấc

- Vừa chào đời

Ở độ tuổi này trẻ có thể ngủ bất cứ lúc nào nhưng vẫn phải cho trẻ ăn và thay tả đầy đủ. Một số trẻ sẽ rất quấy khi chúng mệt trong khi những trẻ khác sẽ ngủ rất nhanh. Mẹ nên lưu ý dấu hiệu khi bé mệt mỏi, và dỗ bé đi ngủ khi thấy bé có vẻ buồn ngủ. Cố gắng dỗ trẻ ngủ đêm bất cứ khi nào có thể.

- Trẻ sơ sinh

Nhiều trẻ sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm trong khi có 1-4 giấc ngủ trưa một ngày. Điều quan trọng ở giai đoạn này là khuyến khích các bé ngậm núm vú giả là để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ một mình. Xây dựng một lịch trình ngủ ngày và ngủ đêm thường xuyên. Tạo cho bé một thói quen trước khi đi ngủ sẽ giúp con ngủ ngon hơn.

Một không gian thoải mái sẽ giúp bé ngủ ngon hơn

- Trẻ tập đi

Trẻ mới biết đi sẽ bắt đầu có biểu hiện sụt giảm về số lượng và độ dài của giấc ngủ trưa. Ở tuổi này, ác mộng và các vấn đề giấc ngủ có thể trở nên phổ biến hơn dẫn đến việc ngủ ngày và các vấn đề hành vi tiêu cực.

Tập cho trẻ các thói quen lên giường và đi ngủ đúng giờ. Thiết lập giới hạn phù hợp được quy định rõ ràng nếu con của bạn liên tục thức dậy hoặc đi ra khỏi giường. Khuyến khích việc sử dụng một món đồ chơi tạo cảm giác an toàn cho trẻ hay lo sợ.

- Trẻ mẫu giáo

Ở lứa tuổi này, trẻ em có thể bị khó ngủ và thường thức dậy vào ban đêm. Nỗi sợ hãi bóng đêm cũng có thể trở nên phổ biến hơn khi trí tưởng tượng phát triển. Mẹ nên tạo cho trẻ cảm giác thoải mái vào ban đêm và giữ lịch trình giấc ngủ thích hợp nhất với trẻ.

- Tuổi đi học

Tiếp xúc với các yếu tố kích thích như internet hoặc các loại nước ngọt có ga cũng có thể hạn chế giấc ngủ của trẻ. Dạy cho trẻ về thói quen ngủ lành mạnh và tiếp tục giữ cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ và không gian thích hợp. Tránh để các yếu tố kích thích như caffeine, TV hoặc máy tính trên giường hoặc trong phòng của trẻ.


Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi

Chế độ ăn uống theo từng giai đoạn phát triển của bé trong năm đầu đời.

Chế độ dinh dưỡng cho bé theo từng độ tuổi. Trong năm đầu đời, bé sẽ trải qua nhiều giai đoạn dinh dưỡng khác nhau: từ sơ sinh đến 4 tháng, từ 4-6 tháng tuổi, từ 6-8 tháng tuổi, từ 8-10 tháng tuổi, và từ 10 đến 12 tháng tuổi.

Dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi


Blog Nuôi Dạy Con giới thiệu cho bạn chế độ ăn uống cho bé thuộc 5 nhóm tuổi:

- Từ sơ sinh đến 4 tháng
- Từ 4-6 tháng tuổi
- Từ 6-8 tháng tuổi
- Từ 8-10 tháng tuổi
- Từ 10-12 tháng tuổi.

Với mỗi giai đoạn phát triển của bé từ sơ sinh đến 12 tháng, bạn có thể sử dụng hướng dẫn này để biết nên cho bé ăn gì, khối lượng thức ăn bao nhiêu. Nếu bé ăn nhiều hơn hoặc ít hơn số lượng được liệt kê cũng không cần lo lắng vì các thông tin chỉ là hướng dẫn cơ bản để tham khảo.

Trong giai đoạn cho bé tập ăn dặm, bạn có thể linh hoạt chứ không nên tuân theo thứ tự một cách cứng nhắc. Nếu bạn muốn cho bé nếm đậu phụ ở 6 tháng tuổi, có thể thử mà không cần chờ tới 8 tháng như thông tin trong bài viết.

Tuy nhiên, các mẹ được khuyến cáo là nên đợi bé được 1, thậm chí 3 tuổi trước khi cho bé thử các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như trứng, cá và đậu phộng. Mặc dù chưa thể khẳng định việc trì hoãn này có thể ngăn ngừa được việc bé bị dị ứng thực phẩm, nhưng nhiều bác sĩ nhi khoa vẫn khuyên bạn nên chờ đến khi bé lớn hơn, đặc biệt với các bé bị bệnh chàm hoặc gia đình có tiền sử với dị ứng. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về dinh dưỡng nếu cần thiết.

Giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng

Hành vi ăn

• Bản năng sẽ khiến bé quay về phía núm vú của mẹ để tìm nguồn dinh dưỡng.

Thức ăn cho bé

• Chỉ nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Lời khuyên

• Đường tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển nên giai đoạn này bạn chưa nên cho bé ăn thức ăn đặc.

Giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm
Bạn có thể cho bé thử nghiệm thức ăn dặm nếu bé:

• Có thể kiểm soát các cử động của đầu và cổ.
• Có thể ngồi lên với sự giúp đỡ của người thân.
• Có thể giả vờ nhai.
• Tăng cân lên gấp 2 lần so với lúc mới sinh.
• Thể hiện sự thích thú với thức ăn.
• Có thể ngậm một cái muỗng.
• Có thể dùng lưỡi để di chuyển thức ăn từ trước ra sau miệng.
• Có thể đẩy lưỡi qua lại.
• Có vẻ đói sau khi đã bú mẹ 8-10 lần hoặc sau khi đã uống khoảng 1 lít sữa công thức trong một ngày.
• Mọc răng.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Thức ăn xay nhuyễn như khoai lang, bí, táo, chuối, đào hoặc lê và ngũ cốc hơi sệt.
Liều lượng mỗi ngày
• Bắt đầu với khoảng 1 muỗng cà phê thức ăn hoặc ngũ cốc xay nhuyễn, trộn ngũ cốc với 4-5 muỗng cà phê sữa mẹ hoặc sữa công thức.
• Tăng thêm khẩu phần với 1 thìa thức ăn xay nhuyễn hoặc 1 muỗng canh bột ngũ cốc trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức, hai lần/ngày. Nếu cho bé ăn ngũ cốc, từ từ cho ít sữa lại để tăng độ đặc.

Lời khuyên

• Nếu lúc đầu bé không chịu ăn ngũ cốc, nên để một vài ngày rồi thử lại.

Giai đoạn 6-8 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm

• Tương tự như khi bé 4-6 tháng.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa công thức.
• Các loại ngũ cốc giàu chất sắt (gạo, lúa mạch, yến mạch).
• Trái cây xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (chuối, lê, táo, đào).
• Rau xay nhuyễn hoặc nấu nhừ (bơ, cà rốt nấu chín, bí, khoai lang).
• Thịt xay nhuyễn (thịt gà, thịt heo, thịt bò).
• Đậu phụ xay nhuyễn.
• Các loại đậu xay nhuyễn (đậu đen, đậu xanh, đậu tằm, đậu đen, đậu lăng..).

Liều lượng mỗi ngày

• 3-9 muỗng canh ngũ cốc, cho bé ăn từ 2-3 lần.
• 1 muỗng cà phê trái cây, tăng dần đến 1/4 đến 1/2 chén trong 2-3 lần.
• 1 muỗng cà phê rau, dần dần tăng lên 1/4 đến 1/2 chén trong 2-3 lần.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không

Giai đoạn 8-10 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm và ăn bốc

• Tương tự như khi bé 6-8 tháng.
• Bé thích dùng tay bốc thức ăn.
• Bé có thể chuyển các đồ vật từ tay này sang tay khác.
• Bé muốn bỏ mọi thứ vào miệng.
• Chuyển động hàm khi nhai.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Một lượng nhỏ phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai (tuy nhiên, không nên dùng sữa bò cho đến khi bé được 1 tuổi).
• Các loại ngũ cốc giàu chất sắt (gạo, lúa mạch, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc hỗn hợp).
• Trái cây và rau quả (chuối, đào, lê, bơ, cà rốt nấu chín, bí, khoai tây, khoai lang).
• Các loại thực phẩm bé có thể cầm tay và ăn (bánh mì nướng cắt nhỏ, chuối chín cắt lát, nui nấu chín, bánh quy giòn, bánh ngũ cốc ít đường hình chữ O).
• Một lượng nhỏ thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt xay nhuyễn, thịt gia cầm, cá không xương, đậu phụ, đậu Hà Lan, đậu đen).

Liều lượng mỗi ngày

• 1/4 đến 1/3 chén bơ sữa .
• 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc bổ sung chất sắt.
• 1/4 đến 1/2 chén trái cây.
• 1/4 đến 1/2 chén rau.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn giàu đạm.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không.

Giai đoạn 10 đến 12 tháng tuổi

Dấu hiệu sẵn sàng để ăn thức ăn dặm

• Tương tự như khi bé 8-10 tháng.
• Bé nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
• Bé mọc răng.
• Bé không còn đẩy thức ăn ra khỏi lưỡi.

Thức ăn cho bé

• Sữa mẹ hoặc sữa bột.
• Phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai (không nên dùng sữa bò cho đến khi 1 tuổi).
• Các loại ngũ cốc giàu sắt.
• Trái cây nghiền hoặc bóc vỏ và cắt thành từng miếng vuông.
• Rau hấp cho chín mềm, cắt thành miếng nhỏ.
• Các món ăn kết hợp (mì ống và phô mai, thịt hầm).
• Thực phẩm giàu chất đạm.
• Thực phẩm cho bé ăn bốc.

Liều lượng mỗi ngày

• 1/3 chén bơ sữa.
• 1/4 đến 1/2 chén ngũ cốc giàu sắt.
• 1/4 đến 1/2 chén trái cây.
• 1/4 đến 1/2 chén rau.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn kết hợp.
• 1/8 đến 1/4 chén thức ăn giàu đạm.

Lời khuyên

• Sau khi cho bé thử một món mới, nên ngưng và đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó không.

Lưu ý mẹ không thể bỏ qua khi cho con ăn uống ngày Tết

Vì phải tiếp đãi khách, thăm viếng họ hàng, đi chơi Tết... nên người lớn rất dễ làm đảo lộn giờ giấc ăn, ngủ của bé. Vì thế, bạn cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho con mình.

Với bé còn bú mẹ

1. Thức ăn:

Các món ngày Tết thường nhiều đạm, tẩm ướp gia vị và hương liệu. Vì thế, khi mẹ ăn vào có thể khiến mùi vị sữa thay đổi. Bé sẽ khó chịu và biếng ăn. Do đó, bạn nên hạn chế những món có nhiều tỏi, tiêu, càri... Một số món lên men như: dưa, kiệu, dưa chuột bao tử... không chỉ giúp bạn ăn ngon miệng hơn mà chúng còn chứa vitamin có tác dụng kích thích tiết sữa.

Lưu ý mẹ không thể bỏ qua khi cho con ăn uống ngày Tết
Ảnh Minh Họa

2. Đồ uống:

Cố gắng uống nhiều nước và tránh thức khuya để có đủ sữa cho bé bú. Ngay cả khi gia đình bận rộn, bạn cũng nên tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của con. Cho bé ăn và ngủ đúng giờ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể làm những món chế biến nhanh và vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho bé như: bột sữa, trứng, cháo thịt (bò, lợn) hay rau củ...

Nếu cả nhà cùng đi chơi, bạn có thể cho bé ăn bột dinh dưỡng hoặc thức ăn đóng hộp. Các bé ở độ tuổi này cũng cần bổ sung nhiều trái cây. Mâm ngũ quả ngày Tết chính là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho bé. Khi mua trái cây, bạn nên ưu tiên chọn các loại: vú sữa, quýt ngọt, đu đủ, xoài cát... Tránh cho con bạn ăn quả lạnh vì bé sẽ bị buốt răng và rất dễ viêm họng.

Với các bé đã có thhể dùng thức ăn như người lớn.

1. Thức ăn:

Những món thường gặp trong ngày Tết là giò chả, bánh chưng, mứt... Đây là các món chứa nhiều mỡ, có độ ngọt, chất béo cao. Những thứ giàu năng lượng này rất dễ gây béo phì cho trẻ, nhất là với bé phàm ăn. Bé cũng rất thích nhâm nhi bánh kẹo khi đi chúc Tết. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho con ăn vặt hoặc ăn quá nhiều đồ béo. Có thể nấu súp, bún hoặc miến để bé dễ tiêu hóa.

2. Đồ uống:

Ăn nhiều đồ béo, đi chơi và hoạt động nhiều, cơ thể trẻ cần được bổ sung nước thường xuyên. Hạn chế cho bé uống nước ngọt đóng hộp, các loại nước có ga. Vài miếng hoa quả tươi, cốc nước quả ép hay một ly cocktail trái cây nhiều màu sắc sẽ làm thực đơn ngày Tết của bé hấp dẫn hơn. Như thế, các bé cũng sẽ thích thú và ăn nhiều hơn.

3. Cho bé ăn đúng giờ:

Ngoài việc cố gắng giữ đúng giờ cho những bữa ăn chính vào buổi sáng, trưa và tối, bố mẹ có thể mang theo một ít bánh flan, sữa hộp, sữa chua... để cho bé ăn giữa cuộc dạo chơi, thăm hỏi.

Như thế, bạn vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa giúp con thoải mái vui chơi trong ngày Xuân.

Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm

Sau khi đã đi tất, mặc quần áo ấm cho bé, chị Thảo lấy kim băng cài đính liền tất với quần, quần với áo rồi mũ lại với nhau để dù bé có cựa quậy, đạp chăn ra thì con vẫn không bị hở và nhiễm lạnh.

Có cô con gái 3 tuổi hay ho hắng, ngay khi trời trở lạnh, chị Thảo (khu đô thị Sông Đà, Phạm Hùng, Hà Nội) đã nghĩ đủ cách để giữ ấm cho con. Mỗi sáng, trước khi đưa bé đi học, dù trường chỉ cách nhà chưa đầy 1km, chị vẫn phải bọc con kín mít. Chị mặc cho con một áo cotton thấm mồ hôi trong cùng, thêm áo len bên ngoài, tiếp một áo khoác nỉ mỏng rồi cuối cùng là một áo lông vũ to, dày. Phần dưới, cô bé được mặc một quần tất, rồi thêm chiếc quần nỉ, đi thêm tất chân trong chiếc bốt ấm

Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm
Cách giữ ấm cho bé trong ngày rét đậm
"Phải mặc cho con nhiều lớp thế để khi vào phòng ấm rồi cô có thể cởi bớt ra cho. Dù vậy mình vẫn lo lắm, chỉ sợ lúc đưa đi thì con còn khỏe, đón về lại thấy con ho, chảy nước mũi thì xót lắm", chị chia sẻ.

Chị Thảo cho biết, không chỉ lo giữ ấm cho con khi ngủ hay lúc đi lại trên đường, chị còn lo lắng khi quan sát trên camera của trường thấy khi ngủ trưa cháu tốc hết chăn ra, mà các cô cũng không để ý. Thế là, ngay hôm sau, chị đành gửi thêm một chiếc áo len của bố để cô giáo mặc cho cháu lúc ngủ trưa.

Lo cho cậu con trai 10 tháng tuổi, từ đầu mùa đông, chị Nhạn (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) đã phải sắm cho con vài bộ body ấm để khi mặc bé không bị hở bụng. "Cu cậu nhà mình đêm ngủ không chịu đội mũ, nên mẹ phải trải cái chăn ủ có mũ của con xuống rồi đặt nằm lên để che đầu cho con. Nghe kinh nghiệm của mấy bác lớn tuổi trong xóm, trước khi đi ngủ, mình lấy ít dầu tràm xoa vào lòng bàn chân, lưng, ngực con, rồi mới mặc ấm đi ngủ, trộm vía, thấy qua mấy đợt lạnh vừa rồi con vẫn ổn", chị Nhạn chia sẻ.

Chị cho biết, dù vậy, đêm chị vẫn phải thức dậy nhiều lần, khi thì để đắp thêm chăn cho con, lúc lại phải sờ gáy, lưng xem có ra mồ hôi không rồi lấy khăn lau khô.

Không chỉ vậy, mỗi lần thay đồ cho con, chị thường nhờ chồng ủi trước quần áo, để đồ bé mặc vừa khô hẳn, vừa ấm, lại diệt khuẩn.

"Thời tiết khắc nghiệt quá, mình mà không cẩn thận, con ốm như chơi, lúc đó thì còn mệt gấp nhiều lần", chị nói.

Chị Xuyến (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng phải thử đủ cách để giúp cậu con trai 2,5 tuổi không bị nhiễm lạnh, vì cậu bé rất hay tốc chăn khi ngủ.

Chị cho biết, mùa đông năm ngoái, vì chưa có kinh nghiệm, chị cứ mặc cho con quần áo bình thường rồi để nằm giữa bố mẹ trong chăn bông cho ấm, nhưng con toàn đạp chăn ra hoặc nhoài người nằm ngang tơ hơ trên đầu bố mẹ, khiến mấy lần bị cảm lạnh, ho hắng liên tục.

"Năm nay, mình tham khảo nhiều người, đã mua túi ngủ cho con, nhưng bé nhất định không chịu chui vào. Mặc ấm cho con ngay từ đầu thì sợ bé nóng, khó chịu, mà mặc mỏng thì lo con lạnh, mình bèn lấy chiếc áo gile cỡ to hơn 2 số so với con rồi mặc ngược để giữ ấm ngực cho bé. Mấy hôm trước trời lạnh quá, mình đã tự chế túi ngủ cho con, bằng cách lấy cái chăn thu ra, khâu kín 2 mép dọc lại, kéo khóa hai bên đến cổ. Với chiếc túi ngủ rộng rãi này con nằm trong thoải mái nên không đòi cởi ra", chị Xuyến chia sẻ kinh nghiệm.

Cậu con trai đầu lòng chào đời thiếu tháng, vào đúng những ngày đầu đông, nên ngay khi con còn nằm trong lồng kính viện Nhi, anh Tùng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã sắm ngay một chiếc máy sưởi để ở phòng bé. Thế nhưng, khi đón con về, anh phát hiện, máy sưởi không thể dùng liên tục được, nếu để gần thì bé nóng, lại gây khô da, mà để xa thì không ấm lắm, nên anh lại mua thêm một chiếc điều hòa hai chiều.

"Thế mà vẫn chưa xong đâu, điều hòa dùng nhiều cũng thấy khô lắm nên lại phải mua thêm chiếc máy tạo độ ẩm. Thế là bây giờ, để phục vụ cu con, nhà mình phải dùng đồng thời 3 thứ, khi nào thay tã, quần áo hay tắm rửa cho con thì bật máy sưởi, bình thường là để điều hòa ấm, máy tạo độ ẩm thì sử dụng thường xuyên, nhưng ngày vẫn phải hai lần mở cửa phòng cho thông không khí", anh Tùng cho biết.

Ông bố trẻ bộc bạch, vì sinh xong phải đưa con về quê luôn với ông bà cho có người chăm nên trong những ngày lạnh cóng này, không chỉ lo giữ ấm cho con, anh và gia đình còn lo "ủ" cho cả bà mẹ mới đẻ.

"Ở quê nhà không khép kín như ở Hà Nội nên vợ mình hầu như suốt ngày chỉ ở trong phòng ấm với con thôi, mỗi lần ra ngoài, chỉ là để đi vệ sinh hay rửa, là phải quấn kín mít như người ta trang bị để đi xe máy xa", anh kể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Lan, trưởng khoa hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, sau 3 ngày nghỉ lễ, số trẻ phải vào khoa điều trị rất đông, gây tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đa số bệnh nhi là các bé mắc hen, tái phát hen nặng hoặc trẻ nhỏ được giữ ấm quá, chứ ít trường hợp trẻ nhiễm bệnh do cảm lạnh.

Theo bác sĩ Lan, trong những đêm rét đậm này, bên cạnh việc cố gắng giữ cho con thật ấm, các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho con, tránh để trẻ quá nóng, ra mồ hôi rồi ngấm ngược. Với những trẻ lớn phải đi mẫu giáo, khi ra ngoài trời, bố mẹ nên để bé ngồi sau xe, mặc ấm, nhất là ở phần đầu, cổ, chân, đeo khẩu trang để bé tránh bụi, gió và hít phải khí lạnh.

"Hiện tại đang là mùa cúm, trẻ mắc cúm dễ sinh viêm tiểu phế quản, vì thế bố mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con thật tốt để nâng cao sức đề kháng cho bé, tránh để trẻ tiếp xúc với người lớn bị cúm", bác sĩ khuyến cáo.

Chăm sóc làn da bé yêu

Làn da của các bé rất nhạy cảm vì vậy bạn cần chăm sóc làn da mỏng manh của bé yêu một cách tốt nhất. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp thực hiện tốt điều đó.

Lưu ý cần biết

Da của bé yêu rất nhạy cảm, chính vì thế trước khi sử bất cứ loại kem bôi hay phấn rôm cũng như quần áo bạn cần phải chắc chắn rằng chúng không gây kích ứng và tổn thương cho da bé.

Khi lựa chọn quần áo cho trẻ, bạn nên chọn loại được làm từ chất liệu cotton vừa mềm, mịn lại có độ thấm hút tốt hơn.

Việc chăm sóc và vệ sinh cho da bé là điều rất cần thiết, tuy nhiên nó không có nghĩa là bé cần được thường xuyên tắm rửa hàng ngày. Mà trái lại việc tắm rửa thường xuyên cho bé còn khiến cho da bé trở nên khô hơn, mất đi độ ẩm tự nhiên.

Lưu ý trong khi tắm bạn cũng nên dùng các loại khăn mềm, được làm từ vải sợi để tắm cho bé yêu.

Một trong những điểm rất quan trọng khi chăm sóc cho da bé là hãy bảo vệ trẻ khói tác hại của ánh nắng mặt trời.

Đừng quên mặc áo dài tay (hoặc là áo chống nắng) cho bé khi đi trời nắng, thêm vào đó bạn cũng nên thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tấn công từ tia cực tím UVA và UVB nguy hiểm từ ánh nắng mặt trời.

Cũng xin nói thêm rằng, UVA và UVB cũng chính là “thủ phạm” hàng đầu gây nên chứng ung thư da, bạn cũng nên lưu ý, hạn chế cho trẻ ra nắng vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh nhất và dễ gây nên những tổn hại cho làn da bé.

Chăm sóc làn da bé yêu
Cần phải cẩn trọng với bất cứ chế phẩm nào muốn dùng trên da của bé
Các chứng bệnh thường gặp

Rôm sảy

Rôm sảy là một hiện tượng rất thường gặp đối với da của bé. Khi bị rôm da trẻ sẽ nổi lên những nốt nhỏ màu hồng, thường nằm dọc cơ thể. Bệnh này xuất hiện do nhiệt độ và độ ẩm cao cùng với tuyến mồ hôi chưa phát triển. Không mặc cho bé quá nhiều quần áo hay ở phòng có nhiệt độ cao. Mặc cho bé những bộ đồ rộng, thoáng. Vệ sinh làn da bé thật sạch sẽ và khô ráo.

Mụn

Những nốt hồng li ti trên mặt. Khi sinh ra, trẻ vẫn còn giữ lại những hormone của mẹ trong một thời gian ngắn vì vậy mà mụn có thể xuất hiện. Các đốm mụn này thường sẽ tự “bay” trong một vài tuần đầu tiên. Nếu không, bạn cần hỏi ngay chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Chàm bội nhiễm

Da có vẩy, tấy đỏ. Chứng viêm da do dị ứng hay còn gọi là eczêma là trạng thái đã được xác định về mặt di truyền học nên gần như không thể chữa khỏi.

Cách tốt nhất là luôn giữ cho làn da của bé được sạch sẽ và khô ráo. Có thể nói chuyện với bác sĩ khoa nhi hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể sử dụng một số sản phẩm dành cho da nhạy cảm được chỉ định đặc biệt cho trẻ.