Hiển thị các bài đăng có nhãn Nuôi dạy con. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nuôi dạy con. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật

Như một sự kiện thường niên vào dịp cuối năm, chương trình tư vấn nuôi dạy trẻ “Sukusuku Kosodate” của kênh truyền hình NHK sẽ mở cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng hay trong việc nuôi dạy con để các bậc cha mẹ trên khắp nước Nhật tham gia. Cuộc thi năm nay quy tụ hơn 1300 ý tưởng, nhưng chỉ có 15 ý tưởng đạt giải ứng với 3 chuyên mục: vui chơi, sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ. Có những ý tưởng đơn giản, nhưng rất hữu ích và thú vị mà không phải cha mẹ nào cũng nghĩ ra khi cần thiết.

Chơi với con

1. Chiếc hộp bốc thăm trò chơi

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật


Để tăng thêm sự bất ngờ và tránh nhàm chán khi cùng chơi những trò quen thuộc với cô con gái 7 tháng tuổi, bà mẹ Yamaguchi Mami đã nghĩ ra ý tưởng bỏ các lá thăm có viết sẵn tên các trò chơi vào một cái túi. Mỗi ngày hai mẹ con sẽ bốc thăm, trúng trò chơi nào thì hai mẹ con cùng nhau chơi trò đó.

2. Đi đến đích thành công

Làm thế nào để con thích thú hơn với cuộc đi dạo hàng ngày? Chị Takagi Yuko, mẹ của một cậu bé 4 tuổi đã thay đổi lộ trình qua các địa điểm cố định trên đường. Cùng là quãng đường từ nhà tới siêu thị, nhưng hôm nay sẽ đi qua công viên trước, hôm sau lại vòng qua thư viện rồi mới đến siêu thị. Cách này sẽ giúp bé có cảm giác mới mẻ mỗi ngày.

3. Bong bóng xà phòng trong bóng tối

Bong bóng xà phòng vốn là trò chơi rất quen thuộc với các bé từ 3 tuổi trở lên. Ông bố Sugawara đã nghĩ ra ý tưởng tắt điện phòng tắm, chỉ chiếu sáng bằng đèn pin rồi cùng con thổi bong bóng xà phòng. Dưới ánh sáng đèn, bong bóng bay lên và in hình trên tường trông kì diệu như trong rạp chiếu bóng. Một trò chơi đơn giản nhưng khơi gợi cho trẻ sự sáng tạo và hứng thú vô hạn.

4. Xe đẩy kiêm chức năng lau nhà

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật

Vừa giúp con tập đi, đồng thời lại hoàn thành cả việc lau nhà, đó là ý tưởng của ông bố khéo léo Takahashi. Từ những hộp các tông và khung nhựa cứng, anh đã khéo léo làm thành chiếc xe đẩy tập đi, sau đó bọc quanh đế xe một lớp vải để lau nhà. Quả là một mũi tên trúng hai đích: vừa tập đi cho con, vừa giúp mẹ lau nhà.

5. Đọc ehon với nhân vật chính là bé

Làm thế nào để bé chăm chú lắng nghe đọc truyện ehon? Ông Sato đã nghĩ ra một ý tưởng, thay vì đọc nguyên như trong truyện, ông sẽ cắt hình búp bê bằng giấy và dán ảnh cô cháu gái, rồi cho búp bê thay lời nhân vật. Ý tưởng này đã khiến cháu ông yêu thích việc đọc ehon hơn, vì cảm giác như bé đang ở trong câu chuyện đó.

Sinh hoạt hàng ngày

6. Để bé không sợ khi cắt tóc mái

Mỗi lần đưa kéo định cắt tóc mái cho con là bé sợ nên ngọ nguậy không chịu ngồi yên, vì vậy chị Togawa Miho đã cắt file kẹp hồ sơ trong suốt thành một chiếc mặt nạ, buộc dây chun cho bé đeo ngang tầm trán, sao cho phần tóc mái phủ bên ngoài mặt nạ. Khi đó, mẹ có thể cầm kéo cắt tóc rất dễ dàng. Bé cũng sợ bị kéo đâm vào mắt nữa vì đã có mặt nạ trong suốt che chắn rồi.

7. Luyện thói quen đánh răng cho bé hơn 1 tuổi

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật

Nishikawa Tomoko khá vất vả khi muốn luyện thói quen đánh răng cho cô con gái hơn 1 tuổi của mình vì bé bướng bỉnh không chịu nằm yên. Cô bèn nhờ con gái lớn 5 tuổi ngồi bên cạnh hát cho em nghe. Cô chị đã tự sáng tác một bài hát về đánh răng cho cô em “Hana chan, có cái răng xinh. Mở miệng ra, mình cùng chải răng….”. Cô em nghe thấy vậy rất thích thú và nằm yên cho mẹ chải.

8. Đối phó với vết bẩn ở tay áo khi bé ăn bốc

Trong giai đoạn trẻ tập ăn bốc, cánh tay và cổ tay áo của bé rất dễ dính đồ ăn dầu mỡ. Bà ngoại Nakashima Michi đã cắt đôi chiếc tất dài, dùng phần ống luồn vào cánh tay cho cháu, thế là cánh tay áo không còn bị bẩn nữa.

9. Tái sử dụng đồ dùng cho bé ở khu dân cư

Đây là ý tưởng của bà Esumi sống tỉnh Nara. Bà gom góp những vật dụng liên quan đến việc nuôi dạy trẻ như xe đẩy, địu, quần áo, sách truyện, đồ chơi, bàn ăn… từ những người không dùng nữa để cho những người có nhu cầu mượn lại. Việc tái sử dụng hiệu quả này giúp ích không nhỏ cho những người mẹ có con nhỏ ở nơi bà đang sống.

10. Dạy bé xì mũi

Dạy cho trẻ cách xì mũi là việc tưởng đơn giản mà lại không dễ chút nào. Cô giáo mầm non Shirakami Akiko đã nghĩ ra một cách rất độc đáo để dạy các em nhỏ ở trường mình xì mũi. Cô lấy một mẩu khăn giấy, cuốn nhỏ lại đủ nhét vừa lỗ mũi. Sau đó dùng một tay ấn lỗ mũi bên kia, rồi xì một cái sao cho chiếc khăn giấy phi ra ngoài như một chiếc tên lửa. Tất cả các em đều làm theo một cách khoái chí. Xì mũi chỉ đơn giản như các em xì cho tên lửa giấy phi ra từ mũi mình mà thôi.

Trò chuyện

11. Show trình diễn của anh trai

Khi các bé đến tuổi phải rèn thói quen đi vệ sinh, đi tắm, thay quần áo, cha mẹ thường rất vất vả vì các bé luôn loay hoay không chịu ngồi yên. Đặc biệt khi bé thứ hai ra đời thì bé lớn lại có xu hướng bướng bỉnh và thích làm theo ý mình hơn. Bà mẹ Kusano Eri đã dẫn dụ cậu anh, bằng cách bắt chước giọng của em bé để nịnh anh biểu diễn cho em xem những khi cần anh thay quần áo, dọn đồ chơi, ăn cơm… Khi ấy cậu anh rất ra dáng anh trai, làm rất nhanh để em xem.

12. Lấy âm nhạc làm nhạc hiệu để con nghe lời

Nếu con bạn yêu thích một ca khúc hay đoạn nhạc nào thì hãy khéo léo tận dụng nó để làm nhạc hiệu giúp bé nghe lời như bà mẹ Tateishi Keiko làm với cô con gái 3-4 tuổi của mình. Khi muốn bé dọn dẹp đồ chơi hay mặc quần áo sau khi tắm… mẹ cô bé chỉ cần bật đoạn nhạc bé rất thích lên là bé lập tức có hứng thú làm việc ngay, và làm mọi thứ rất nhanh nhẹn, gọn gàng.

13. Làm sao để cả lớp yên lặng nghe đọc ehon

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật

Tất cả các trường mẫu giáo ở Nhật đều có giờ đọc ehon cho trẻ. Nhưng làm thế nào để mấy chục bé cùng ngồi yên và lắng nghe? Khi tình nguyện đọc ehon ở trường của con, ông bố Sakamoto Kenichi đã nghĩ ra một ý tưởng. Trước khi bắt đầu đọc anh sẽ cùng các bé “Nào các em chúng ta cùng đếm nhé một, hai…ba…suỵt” rồi làm động tác đưa ngón tay chạm vào miệng ra hiệu im lặng. Thật bất ngờ là cách làm này vô cùng hiệu quả. Sau hành động đưa tay lên suỵt, tất cả các bé đều ngồi yên lặng chăm chú nghe anh đọc truyện.

14. Gọi bé quay lại bằng sợi dây vô hình

Nếu bạn có một cậu con trai 3 tuổi mỗi khi ra ngoài với mẹ lại thích la cà không chịu đi về ngay, hoặc thích đi theo ý mình thì ý tưởng của bà mẹ Omatsu Maki quả là hay. Cô tạo ra một sợi dây vô hình, hễ cậu con trai không chịu đi đúng hướng là mẹ sẽ giả vờ như đang kéo dây để cậu quay lại. Trò chơi của mẹ khiến cậu bé rất hứng thú và hưởng ứng nhiệt tình bằng cách giả vờ như đang bị kéo và chạy lại chỗ mẹ lúc nào không hay.

15. Khi bé không chịu ăn

15 ý tưởng nuôi dạy con của cha mẹ Nhật

Làm thế nào khi bé không chịu ăn cơm? Thay vì quát mắng, chị Sakurai Mayu, mẹ của cô con gái 3 tuổi đã đã giả vờ như đang gọi điện thoại cho bà ngoại, có khi là cho nhân vật nào đó bé rất thích để nói “alo alo, XYZ đấy à, A không ăn cơm. XYZ có gì muốn nói với A không…”, cô con gái thích thú và lại ngồi ăn ngon lành.

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Loại bỏ thói quen lười suy nghĩ ở trẻ

Hiện nay, đa số trẻ em, nhất là trẻ ở thành thị, đều được chăm sóc quá “kĩ lưỡng”. Đôi tay của trẻ dường như chỉ dùng vào việc làm bài tập, vui chơi… còn những việc khác đều do ông bà, bố mẹ làm giúp. Chúng sẽ trở nên lười vận động và dẫn đến trẻ lười suy nghĩ, ít động não. Điều đó thực sự là không tốt cho trẻ, cha mẹ cần phải làm gì để loại bỏ thói quen này ở trẻ?

Khơi dậy tính lanh lợi vốn có ở trẻ

Căn cứ vào độ tuổi cũng như tính cách của trẻ, các bậc phụ huynh nên cùng trẻ tham gia một số hoạt động nhỏ mang tính chất động não, buộc trẻ phải suy nghĩ. Bố mẹ có thể cùng chơi với trẻ trò chơi với những con số, giải câu đố, thi kể chuyện…

Cách làm này không những kích thích sự động não, tư duy ở trẻ mà còn thể hiện sự quan tâm của bố mẹ. Trẻ sẽ thấy hạnh phúc hơn, tích cực hơn nếu cùng bố mẹ tham gia những trò chơi đơn giản nhưng bổ ích ấy.

Tập cho trẻ thói quen xem sách báo thiếu nhi

Những cuốn sách báo hay truyện tranh tuổi thơ với những hình vẽ sinh động, hấp dẫn hoặc cho trẻ xem những tiết mục văn nghệ, hoạt hình thiếu nhi mang tính giáo dục cao… Trẻ thích thú sẽ nhập cuộc rất nhanh chóng. Trẻ có thể hát, nhảy theo điệu nhạc hay tha hồ tưởng tượng sau khi xem truyện tranh.

Loại bỏ thói quen lười suy nghĩ ở trẻ



Đây là cách giải trí bổ ích cho trẻ sau những giờ học tập căng thẳng ở trường. Hơn thế nữa, nó còn khơi dậy khả năng tư duy ở trẻ theo chiều hướng tích cực.

Mở rộng không gian sống cho trẻ

Đưa trẻ đến với thiên nhiên trong lành như vườn thú, vườn bách thảo, khu vực sinh thái, về trang trại, về nông thôn … Cho trẻ thăm thú, quan sát rồi đặt ra những câu hỏi liên quan để trẻ trả lời kèm theo giải thích mọi thắc mắc của trẻ. Trẻ sẽ chủ động suy nghĩ, tư duy, bằng chứng là trẻ luôn đặt ra những câu hỏi ngộ nghĩnh cho những thắc mắc của mình.

Khuyến khích, động viên trẻ

Trong quá trình học tập, có thể trẻ phải tập trung suy nghĩ, tư duy căng thẳng mới giải được bài toán hay làm được những thí nghiệm đơn giản. Lúc ấy hãy động viên, khen trẻ để kích thích trẻ vui và hứng thú tiếp tục tư duy, sáng tạo.
Cha mẹ cũng nên động viên kịp thời khi thấy trẻ tiến bộ. Nếu quá khắt khe trong những lời nhận xét hay phê bình sẽ làm hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của con.

Bồi dưỡng hứng thú suy nghĩ ở trẻ

Cha mẹ trước hết phải là tấm gương cho trẻ về mọi mặt, đặc biệt là lối suy nghĩ, tính cách, thái độ. Chính các bậc phụ huynh cũng nên học cách kiềm chế tình cảm của bản thân, có cái nhìn khách quan để khen thưởng và phê bình trẻ đúng lúc. Đồng thời, thường xuyên đặt ra những câu hỏi kích thích trẻ học hỏi, suy nghĩ.

Giúp trẻ duy trì thói quen động não

Cha mẹ không nên có yêu cầu quá cao, vượt khả năng suy nghĩ, lối tư duy trẻ thơ. Phải căn cứ vào hiện trạng vốn có của trẻ để bắt đầu hướng dẫn trẻ suy nghĩ, từ những việc đơn giản nhất, dễ dàng nhất, rồi dần tăng độ khó để trẻ phải nỗ lực giải quyết những khó khăn gặp phải.

Những câu hỏi có mức độ khó tăng dần phù hợp với tính cách cũng như khả năng vốn có ở trẻ, giúp trẻ phát triển năng lực tư duy và học được khả năng làm chủ mọi vấn đề.

10 cách giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc

Dù con bạn mới biết đọc hay đã biết đọc, nên áp dụng thêm những cách đã được thực nghiệm sau đây để giúp trẻ tập đọc ở nhà. Sau đây là một số phương pháp để khuyến khích các em mới tập đọc và tạo sự say mê đọc sách.

10 cách giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc
Ảnh từ Internet

1. Chỉ cho trẻ những chữ cái và từ then chốt:

Lần đầu tiên con bạn tập đọc, hãy chỉ tay vào một từ đặc biệt nào đó, giải thích và nhấn mạnh nghĩa của từ, nhớ đừng chỉ vào hình. “Chúng ta tìm từ con gấu ở trang này. Con có nhìn thấy chữ g trong từ gấu không?”. Trẻ em thường nhớ những chữ cái trong tên của mình trước nên bạn hãy tìm những từ có những chữ cái đó.

2. Đọc theo mẫu:

Khi con bạn đã đọc được một số từ, hãy cho đọc lại những từ đó trong những truyện đơn giản. Hãy đọc chữ đầu tiên và yêu cầu trẻ đọc tiếp cho đến hết câu.

3. Cùng trẻ đọc truyện:

Đọc một câu truyện quen thuộc rồi cho trẻ đọc lớn tiếng một mình. Giọng đọc của bạn sẽ giúp trẻ hiểu được và vượt qua những chi tiết đòi hỏi sự tinh tế. Vì muốn ghi nhớ và đọc to chuyện đòi hỏi một sự tập trung cao độ, nên hãy thay phiên mỗi người đọc 1 trang, trẻ có thời gian để nghỉ ngơi và nghe bạn đọc.

4. Đừng vội vàng:

Khi trẻ chuẩn bị đọc chuyện cho bạn nghe, để ý xem quyển sách đó có quá khó với trẻ hay không. Nếu nhận thấy cứ 10 từ thì trẻ lại mắc kẹt một từ thì hãy chọn một cuốn sách khác dễ hơn. Đừng từ chối nếu trẻ muốn đọc đi đọc lại câu truyện mặc dù chưa hiểu rõ vì đọc lại một quyển sách giúp trẻ tự tin hơn và trẻ có thể khoe khoang về điều đó.

5. Diễn tập trước:

Trẻ em thường không thích đọc những quyển sách mới vì chúng không muốn bị vấp trước mặt cha mẹ. Trẻ em muốn coi trước, cũng như diễn viên sẽ gặp khó khăn khi diễn xuất mà không đọc trước kịch bản. Vì thế, nên cho trẻ xem hình minh họa rồi hỏi trẻ xem cuốn sách đó có ý nói về cái gì. Nếu gặp loại sách khó đọc, nên cho trẻ đọc trước những từ khó.

6. Giúp đỡ khi gặp từ khó:

Nếu con bạn bị vấp từ nào, đừng ép đọc nữa. Trước hết, nói trẻ bỏ qua từ đó, đọc tiếp phần còn lại của câu rồi hãy quay lại. Đố trẻ đoán nghĩa của từ đó. Bắt trẻ nhìn vào những chữ cái ở đầu và cuối của từ để hình dung ra từ đó. Nếu trẻ vội nản, khuyến khích trẻ rằng từ đó không khó và cũng dễ ghi nhớ.

7. Tránh xao lãng:

Mặc dù cùng đọc với con bạn nửa tiếng mỗi ngày là cần thiết, nhưng đừng nên đọc liên tục quá 10 phút. Nếu bạn tập trung vào việc dạy trẻ, chúng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc tập đọc.

8. Trò chuyện:

Những cuộc nghiên cứu cho thấy, trò chuyện với trẻ em bằng cách kể chuyện sẽ làm giàu vốn từ vựng và sự hiểu biết của trẻ. Khi đi dạo hoặc khi đọc sách xong, trẻ thích thảo luận về những gì nó vừa đọc. Lúc đó, bạn nên hỏi: “Theo con thì sau đó chuyện gì sẽ xảy ra?”. Hoặc khích lệ trẻ nêu ra cảm nghĩ của mình về câu chuyện. Điều này sẽ giúp các em hiểu rõ cốt truyện.

9. Gọt bút chì:

Trước đây các nhà ngôn ngữ cho rằng trẻ em cần biết đọc trước khi biết viết, nhưng hiện nay họ nhận ra rằng viết cũng là hình thức học đọc. Bạn nên khuyến khích con mình viết ra giấy những đồ vật thường dùng hàng ngày. Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy viết đúng chính tả giúp người mới tập đọc hiểu được mối quan hệ giữa các chữ cái và phát âm. Bạn hãy đọc cho trẻ viết một lá thư gởi cho bà ngoại và giải thích cho trẻ hiểu về cách dùng từ cũng như cấu trúc một lá thư.

10. Duy trì việc đọc:

Khoảng 12 – 13 tuổi, trẻ em mới có thể hiểu hết được những cuốn sách khá phức tạp mà chúng tự đọc. Đối với trẻ, việc đọc giúp cho các em mở rộng vốn từ và khả năng suy luận. Dĩ nhiên, bạn có thể trải qua những giây phút vui vẻ tập đọc với con.

Cách nuôi dưỡng tính cách vui vẻ ở trẻ

Nếu cha mẹ cho trẻ quá nhiều thứ thì có thể hình thành một ý niệm sai lầm ở trẻ rằng “đạt được là cội nguồn của hạnh phúc”. Điều cần thiết là phải dạy trẻ hiểu được niềm vui của con người không chỉ có được từ những tài sản vật chất.

Để làm được điều này, bạn có thể tham khảo một số điều dưới đây:

1. Dạy trẻ kết bạn

Trong quá trình nuôi dưỡng tính cách cởi mở của trẻ, tình bạn đóng một vai trò quan trọng. Vì thế, bạn cần khích lệ, cổ vũ trẻ chơi đùa với các bạn cùng lứa khác, để trẻ học được cách sống chan hòa với những người xung quanh.

Cách nuôi dưỡng tính cách vui vẻ ở trẻ
Ảnh từ Internet
2. Cho trẻ cơ hội và quyền nêu lên ý kiến

Nuôi dưỡng tính cách vui vẻ của trẻ có quan hệ mật thiết với sự chỉ đạo và khống chế hành vi của trẻ. Do đó bạn cần tạo cho trẻ cơ hội, dạy cho trẻ biết làm thế nào để nêu lên ý kiến cũng như quyết định của bản thân ngay từ nhỏ.

3. Dạy trẻ điều chỉnh trạng thái tâm lý

Bạn nên chỉ cho trẻ biết có những người luôn sống vui vẻ và hạnh phúc, bí quyết của họ là luôn có trạng thái tâm lý tốt để thích ứng, giúp họ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Khi trẻ bị trách móc hay la mắng, cần dạy trẻ biết rằng phía trước luôn là những điều tốt đẹp hơn, để trẻ có cái nhìn lạc quan.

4. Hạn chế sự ham thích vật chất của trẻ

Nếu bạn cho trẻ quá nhiều thứ, có thể hình thành cảm giác sai lầm của trẻ rằng “đạt được là cội nguồn của hạnh phúc”. Do đó bạn nên dạy trẻ sự vui vẻ của con người không chỉ có được từ tài sản vật chất.

5. Nuôi dưỡng những sở thích của trẻ

Bạn nên chú ý tới những sở thích của trẻ, cho trẻ nhiều sự lựa chọn khác nhau, và hướng dẫn trẻ khi cần thiết. Những sở thích của trẻ càng phong phú, trẻ sẽ tự nhiên hình thành tính cách vui vẻ một cách dễ dàng.

6. Giữ gìn không khí gia đình hòa thuận

Gia đình hòa thuận cũng là một nhân tố chủ yếu để nuôi dưỡng sự vui vẻ của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những trẻ được nuôi nấng trong một gia đình hạnh phúc có tỷ lệ cuộc sống hạnh phúc sau này nhiều hơn những trẻ lớn lên trong những gia đình không hòa thuận.

Bé hay ngắt lời, tranh lời người khác

Nhiều bậc phụ huynh đôi khi cảm thấy xấu hổ, khó xử vì bé nhà mình hay tranh lời, ngắt lời mình hay người khác. Tuy vậy, hành vi này của trẻ không phải là sự thể hiện thái độ vô lễ, nó đơn giản chỉ là sự phản ánh giai đoạn muốn khẳng định ”cái tôi” của trẻ trong quá trình phát triển. Nhưng nếu không được uốn nắn kịp thời thì cũng sẽ dẫn đến những mặt hạn chế trong giao tiếp của trẻ sau này.

Có thể bạn sẽ thấy rất bực mình nếu bé hay ngắt lời mình và không chịu nghe lời mình nói. Thậm chí bạn có thể sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ khi bé cướp lời những người lớn đến chơi nhà. Làm thế nào để sửa được tật xấu này của bé?

Nguyên nhân bé hay tranh lời

Bộc lộ sự hiểu biết

Bước qua giai đoạn học nói (5-7 tuổi), bé đã am hiểu khá nhiều chuyện xung quanh cuộc sống. Vốn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ của bé cũng thành thạo hơn. Vì vậy, thói quen “cướp lời” là khi bé muốn chứng tỏ bản thân mình.

Bày tỏ điều không hài lòng.

Lúc còn nhỏ, bé thường có thái độ khóc lóc giận dỗi khi bạn yêu cầu bé làm những điều không thích. Khi bé trưởng thành hơn, thói quen khóc hay ăn vạ cũng bớt dần. Thay vào đó, bé muốn dùng sức mạnh của lời nói như hét to lên, chen ngang với bạn để bày tỏ sự phản đối.

Khi bạn nhắc nhở hoặc trách mắng bé, bé càng tỏ rõ thái độ bằng cách chen ngang vì không muốn nghe nữa.

Thể hiện sự đòi hỏi.

Khi tinh thần của bé tập trung vào việc đòi bạn món đồ chơi mới hoặc xin được ăn bánh trong tủ lạnh, bé sẽ không để ý đến câu chuyện bạn đang nói dở. Bé sẽ yêu cầu bạn đáp ứng đòi hỏi trước mà quên đi quy tắc lịch sự trong giao tiếp.

Bé hay ngắt lời, tranh lời người khác


Làm gì để khắc phục tật xấu này cho bé?

Làm gương cho bé

Các bé ở lứa tuổi này thích noi gương người lớn. Nếu vợ chồng bạn thường xuyên ngắt lời nhau, thì bé cũng sẽ bắt chước. Bạn không được cắt ngang lời bé khi bé đang nói chuyện với bạn. Nếu bạn quên mất điều này và ngắt lời bé (hoặc ngắt lời bất kỳ ai khác), bạn hãy dừng ngay lại và nói: “Ồ, mẹ xin lỗi vì đã ngắt lời con. Con nói tiếp đi.” Con bạn không chỉ bắt chước cách cư xử đẹp của bạn mà bé còn biết cách thừa nhận sai lầm. Bạn cũng sẽ cảm thấy mọi việc trở nên tốt đẹp hơn nếu như bé thường xuyên nghe thấy bạn “cảm ơn” và “xin lỗi”…

Giữ bình tĩnh

Bạn không nên vội vã quát mắng hoặc cố lớn tiếng để át giọng của bé. Có thể ngừng một chút để lắng nghe xem bé muốn diễn đạt điều gì. Đợi cho bé nói hết câu, bạn nên nghiêm túc nói với trẻ “Con xem, mẹ chưa nói xong con đã chen ngang rồi. Như thế là không ngoan và không lịch sự con ạ!”.

Kiên trì rèn luyện trẻ

Các bé đã hiểu cách chờ đến lượt. Bạn hãy sử dụng kỹ năng này để dạy bé chờ người khác nói xong rồi mới đến lượt bé. Trò chơi đơn giản: Bạn hãy hỏi bé về một vấn đề mà bé thích như “Tại sao con thích búp bê Baby?” Bạn hãy nghe thật kỹ câu trả lời của bé. Khi bạn cảm thấy bé đã nói xong bạn hãy hỏi “Con nói xong chưa? Rồi, bây giờ đến lượt con hỏi mẹ.” Nếu bé cắt ngang lời bạn, bạn hãy đặt 1 ngón tay lên miệng bé và tiếp tục nói nốt ý của bạn. Sau khi nói xong “Bây giờ đến lượt con”, và lại để bé tiếp tục nói. Nếu bé cảm thấy bế tắc với câu bạn hỏi thì bạn có thể hỏi câu khác. Có thể ngay từ vài lần chơi đầu tiên, bé vẫn ngắt ngang lời bạn, nhưng bạn nên kiên trì. Dần dần bé sẽ hình thành thói quen nghe người khác nói xong mình mới nói tiếp chứ không tranh lời nữa.

Ngắt từng ý rõ ràng

Sự tập trung với các bé còn chưa hoàn thiện, vì vậy, bé rất “sốt ruột” nếu phải chăm chú lắng nghe bạn trong một khoảng thời gian dài. Tốt nhất, bạn nên chia nhỏ các ý và trao đổi với bé. Hết một ý, bạn tạm thời dừng lại, hỏi chuyện bé trước khi chuyển sang ý tiếp theo.

Hoặc gợi ý: nếu bé muốn chia sẻ điều gì khi cả nhà đang quây quần trò chuyện, bé có thể giơ tay xin ý kiến (giống như việc bé xin phát biểu ở lớp nếu bé đã bước vào độ tuổi đi học).

Nói chung ở độ tuổi này, bé thường thích nói theo ý mình một cách tự nhiên và bột phát. Bạn nên cảm thông và kiên trì nhắc nhở để bé hiểu việc tranh lời người khác khi nói là không lịch sử, giúp bé dần dần sửa đổi thói quen xấu này.

Bạn đang khuyến khích hay nuông chiều con?

Một số cha mẹ thường có thói quen thưởng cho bé (kẹo bánh, đồ chơi, tiền bạc, những trò giải trí) một cách rất “hào phóng” mà không biết rằng hành vi này đã vượt ngưỡng cho phép – rất dễ làm hư bé.
Nuông chiều hay khuyến khích?

- Nếu bạn có thói quen cho bé kẹo bánh, đồ chơi kèm theo lời ngọt ngào để mong bé chấm dứt một hành vi xấu như “Con đi rửa tay rồi mẹ mua bánh cho con ăn” thì đó là nuông chiều.

- Nếu bạn tặng thưởng cho bé sau khi bé hoàn thành công việc cụ thể và khuyến khích bé cố gắng thực hiện nhiều hành vi tốt nữa thì đó là khen thưởng đúng cách.

Bạn đang khuyến khích hay nuông chiều con?
Ảnh từ Internet
Cha mẹ cần nhận thức được giới hạn của việc khuyến khích

Ví dụ cụ thể như sau:

- Nuông chiều: Bạn vội vã đi mua kem để “nịnh” bé nhanh chóng rời khỏi công viên, về nhà.

- Khen thưởng: Bạn đưa bé đi chơi công viên và mua kem cho bé sau khi bé được phiếu bé ngoan ở lớp mẫu giáo. Bạn cũng không quên động viên bé: “Nếu con tiếp tục ngoan, mẹ hứa sẽ đưa con đi chơi công viên nhiều lần nữa”.

Khen thưởng nhấn mạnh đến kết quả tốt của hành vi và động viên bé có nhiều việc làm tốt hơn trong tương lai. Trong khi dùng hiện vật để nuông chiều bé chỉ có tác dụng chấm dứt hành vi xấu của bé trong một khoảng thời gian ngắn.

Trường hợp ở trên: Bé được nuông chiều sẽ không tự giác rời công viên, ra về nếu không được bạn mua kem. Những lần sau đó, bé sẽ hình thành suy nghĩ “phải được cha mẹ đáp ứng điều gì đó trước rồi bé mới thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ sau”. Đó là mầm mống cho thói quen đòi hỏi ở những bé lớn hơn sau này; chẳng hạn, bé sẽ lớn tiếng “Con sẽ quét nhà khi mẹ hứa mua xe đạp mới cho con…”. Khi ấy, tinh thần lao động của bé trong gia đình được gắn với một lợi ích cụ thể. Nếu việc gì bé không được lợi thì bé sẽ không vui vẻ thực hiện.

Để phần thưởng không làm hư bé

- Thói quen dỗ bé bớt quấy khóc bằng kẹo bánh hoặc dùng “hiện vật” để trao đổi khi bé hoàn thành một công việc nhà cũng có tác hại với bé. Trường hợp này, tật ăn vạ của bé càng được dịp phát triển, kéo theo đó là hàng loạt thói hư khác như ỷ lại, thụ động, ích kỷ và thích đòi hỏi ở bé. Do đó, bạn không nên “lười biếng” dùng kẹo bánh, đồ chơi để dỗ dành khi bé quấy khóc hoặc khi bạn muốn bé chấm dứt hành vi xấu. Bạn nên nhớ rằng, hành động này chỉ có tác dụng làm bé ngoan tạm thời.

- Bạn nên xác định rõ ràng mục đích của phần thưởng là để động viên hành vi tốt của bé. Do đó, phần thưởng chỉ nên trao sau khi bé đã hoàn thành tốt một việc nào đó thực sự có ý nghĩa.

- Bạn nên tuyệt đối tránh yêu cầu bé đi kèm với hiện vật, chẳng hạn: “Con xếp đồ chơi, mẹ sẽ cho tiền con mua kẹo”. Việc làm này chỉ khiến bé “hăng hái” làm việc với mục đích được ăn kẹo mà không xây dựng tinh thần yêu lao động ở bé.

- Bạn không nên khoan nhượng với những đòi hỏi của bé: Nếu bé vòi vĩnh “Con vừa lau bàn sạch, mẹ mua đồ chơi cho con nhé”, bạn nên nhấn mạnh với bé rằng, việc lau nhà của bé là cần thiết và bạn rất vui vì bé đã giúp cha mẹ, còn việc mua đồ chơi mới, bạn sẽ cân nhắc sau.

5 phép ứng xử cha mẹ nhất thiết phải dạy con

5 cách ứng xử dưới đây bạn nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ và bạn sẽ giúp con trở thành một con người luôn biến ứng xử đúng mực.

1. Chào tất cả mọi người con gặp

Không có gì khiến bạn hạnh phúc và tự hào hơn khi nhận được những lời khen ngợi cùng ánh mắt ngưỡng mộ từ những người hàng xóm hoặc những người mới quen biết vì bạn đã là một bà mẹ nuôi dạy con tốt, biết lễ phép, ngoan ngoãn chào hỏi mọi người… Do đó để con mãi là niềm tự hào của các bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn thơ ấu, cha mẹ hãy làm thế nào để con luôn mạnh dạn chào đón tất cả mọi người không chỉ là khi khách đến nhà mà thậm chí là ngay cả khi con gặp một ai đó ở cửa hàng tạp hóa. Hãy dạy con mỉm cười thân thiện với tất cả những người con gặp. Chắc chắn điều đó sẽ không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà còn làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy thật dễ chịu khi gặp một đứa bé ngoan.


2. Trả lời điện thoại một cách lịch sự

Để dạy con làm được điều này, có thể các bậc cha mẹ sẽ phải mất một khoảng thời gian dài tùy thuộc vào khả năng, sở thích cũng như phương pháp mà bố mẹ áp dụng dạy dỗ đối với con. Hãy dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi con trả lời điện thoại. Tuyệt đối đừng để trẻ nói trống không và lối hỏi đáp “nhát gừng”. Bố mẹ có thể dạy con một vài câu nói cơ bản như: “Xin lỗi! Cháu có thể biết ai ở đầu dây bên kia không ạ?” hoặc: “Cháu rất tiếc! Hiện tại mẹ cháu không có ở nhà. Cô có muốn để lại lời nhắn nào đó cho mẹ cháu không ạ?”…

3. Không chơi trò đánh trống trên bát đĩa

Đây không chỉ là thói quen xấu mà đó còn là một trong những hành vi khiếm nhã bên bàn ăn, nhất là khi gia đình bạn có khách. Do đó thay vì để con tự tiện cầm đũa, thìa gõ vào bát đĩa, cha mẹ hãy tạo cho con tư thế ngồi ăn nghiêm chỉnh, lịch sự, không gào thét khi chưa có món ăn… Những điều cơ bản đó sẽ giúp con hình thành thói quen và phong thái định đạc, ứng xử điềm tĩnh trong suốt cuộc sống của trẻ về sau này.

4. Dạy con nói “Làm ơn”

Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng việc con còn quá nhỏ nên không cần phải quá nghiêm khắc với con, chờ đến khi con lớn hơn thì có thể dạy con cũng được. Đó là một trong những quan điểm nuôi dạy con sai lầm. Bởi vì bao giờ việc nuôi dạy con từ khi còn nhỏ cũng dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều, trẻ sẽ tiếp thu và hình thành thói quen theo sự uốn nắn của trẻ khi tâm sinh lý còn đơn giản. Do đó hãy dạy con ứng xử với mọi người một cách lịch sự. Khi con làm gián đoạn cuộc trò chuyện của một ai đó hoặc làm phiền, cần sự giúp đỡ của người khác hãy dạy con nói “Làm ơn – Xin lỗi”.

5. Không đánh nhau với những đứa trẻ khác

Đây có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh, quản lý và giúp con kiểm soát cơn giận dữ. Nhưng việc giáo dục con là điều cần thiết và hãy dạy con bất cứ lúc nào cho đến khi con nhận thức rõ ràng được điều đó. Hãy nói với con rằng việc đánh bạn sẽ biến con thành người thua cuộc, đấy là hành vi xấu. Đó sẽ là cách thức bố mẹ tiến tới định hình tính cách cũng như giúp trẻ có thể tự kiềm chế được mình trong tương lai.