Hiển thị các bài đăng có nhãn Thai giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thai giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Những điều nên tránh khi thực hành thai giáo

Cho thai nhi nghe nhạc, nếu mở nhạc quá lớn sẽ tổn hại đến thính giác của trẻ. Mẹ không thích âm nhạc mà phải nghe quá nhiều bài hát khiến tâm trạng mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đứa con.

Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân, Hội quán các bà mẹ TP HCM cho biết, đã có nhiều công trình khoa học minh chứng về hiệu quả của thai giáo, nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết thai giáo đúng cách. Nếu thai giáo một cách máy móc và cứng nhắc hoặc nghiêm trọng hóa quá mức có thể gây tác dụng ngược.

Một số bà mẹ vì lo cho sự an toàn của thai nhi mà kiêng cữ một cách thái quá, không dám đi lại, hạn chế cử động, điều này hoàn toàn không tốt cho đứa bé trong bụng. Bà Vân giải thích, trong quá trình mang thai, nếu người mẹ quá lo lắng đến sự an toàn của đứa con trong bụng, ngày đêm căng thẳng, bất an, vô tình sẽ tự gây áp lực cho mình và những người chung quanh, dễ stress.

Những điều nên tránh khi thực hành thai giáo

Mặt khác, một số bà mẹ ý thức về vai trò của sự vuốt ve, trìu mến dành cho đứa con trong bụng nên liên tục vuốt, xoa lên thành bụng gây kích thích tử cung dẫn đến sinh non. Có bà mẹ trẻ mong muốn chồng bày tỏ tình cảm yêu thương với con, thay vì khéo léo, tinh tế gợi ý để anh ấy cùng tham gia thì lại ép buộc, hờn dỗi, trách móc. Như vậy, người cha khi thực hành thai giáo rất khó có được tình cảm trìu mến sâu sắc dành cho đứa con.

"Khi bố mẹ trò chuyện cùng nhau bằng tình cảm ấm áp, chân thành; người mẹ giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, sống yêu thương và khoan dung với mọi người; là đã truyền cho con một năng lượng cảm xúc mạnh mẽ. Tình thương dịu ngọt, êm ái cứ thế thấm dần vào trong tiềm thức của con", bà Vân gợi ý.

Phương pháp thai giáo thực ra khá giản dị, đó là lúc mẹ nhẹ nhàng chạm tay lên bụng, thì thầm với con lời âu yếm, dịu dàng, kể cho con nghe những câu chuyện vui, những nỗi niềm khiến mẹ cảm thấy phấn chấn. Mẹ có thể hát cho con nghe những câu hát, lời ru bằng cảm xúc dạt dào, bằng tình yêu thương vô bờ bến thì cho dù giọng hát không hay và con không thể hiểu lời bài hát nhưng năng lượng sự sống sẽ tràn đầy trong con. Niềm hạnh phúc, sự yêu thương trìu mến của người mẹ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thai nhi. Đứa con trong bụng cũng sẽ hòa nhịp và cùng hưởng thụ niềm vui với mẹ. Đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để mầm sống lớn nhanh và phát triển ngày càng cứng cáp, vững chãi hơn.

Cảm xúc của người mẹ là điều vô cùng quan trọng trong thai giáo chứ không phải cứ nhồi nhét cho thai nhi thật nhiều những thứ mà cha mẹ cho là tốt. Có một số bà mẹ ý thức được việc nghe nhạc có lợi đối với thai nhi nên chỉ chăm chăm trang bị thật nhiều đĩa nhạc, từ các bài hát ru Việt, nhạc Betthoven, Mozart… Tuy nhiên làm thế nào để cho thai nhi nghe nhạc đúng cách là điều mà không phải bố mẹ nào biết.

Nhiều phụ huynh mong muốn tăng cường tác dụng của âm nhạc nên mở nhạc cho thai nhi thật nhiều, nghe bất kể giờ giấc, ngày đêm. Sợ đứa con nằm trong bụng không nghe được rõ âm điệu nên bố mẹ cố gắng mở thật to, thay phiên canh chừng thay nhạc mới. Làm như thế có thể vô tình gây hại cho con trẻ, khiến bé bị "quá tải thính giác".

Theo một số nghiên cứu, nếu thai nhi nghe nhạc với sóng âm cao từ 4.000 đến 5.000 hz sẽ gây tổn hại đến thính giác. Chưa kể đến việc bà bầu không thích âm nhạc mà phải nghe nhiều bài hát hoặc mở âm lượng quá lớn khiến tâm trạng mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đứa con.

Khi thưởng thức các bài hát mà bản thân mẹ không cảm thấy cuốn hút và thú vị bởi ca từ, giai điệu bài nhạc thì làm sao có thể chuyển tải cảm xúc đến với con và làm sao thai nhi có thể cảm thụ được âm nhạc? Vì vậy theo chuyên viên tâm lý, người mẹ không nên miễn cưỡng ép mình và con phải nghe nhạc mà quan trọng nhất vẫn là sự yêu thích, cảm giác thư thái, hạnh phúc và bình yên khi thưởng thức nhạc, thì lúc đó thai giáo bằng âm nhạc mới đạt được hiệu quả.

Yêu thương là cảm xúc nhiệm màu để những ông bố bà mẹ tương lai nâng niu mầm sống. Khi gieo yêu thương bằng sự trìu mến và tình cảm chân thành chắc hẳn sẽ gặt hái được kết quả diệu kỳ của thai giáo. "Hãy gởi đến đứa con yêu dấu những thông điệp yêu thương đúng cách xuất phát từ cảm xúc sâu lắng nhất, đó là hạt giống tâm hồn để trẻ phát triển toàn diện cả về nhân cách lẫn tâm lý sau này", bà Vân đúc kết.

Thi Trân ghi

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Thai giáo bằng cách kích thích 5 giác quan bé

Từ tuần thứ 18 đến 20, xúc giác của thai nhi đã thể hiện rất rõ qua cử động máy. Lúc này bố mẹ có thể thực hành thai giáo cho con bằng cách vỗ nhẹ thành bụng mẹ, vuốt xuống bụng, kết hợp nói chuyện...

Thai giáo bằng cách kích thích 5 giác quan bé

Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung, thực hành thai giáo cho bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ là rất quan trọng. Tiến trình này tác động một cách tích cực và lâu dài của cha mẹ nhằm tối ưu hóa sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Một trong những bài thai giáo quan trọng mà cha mẹ lưu ý là kích thích 5 giác quan của bé, tùy từng giai đoạn tuổi thai mà có cách tác động khác nhau: 

1. Xúc giác

Vào tuần thứ 7, vài nơi trên cơ thể thai nhi đã tỏ ra mẫn cảm với những đụng chạm. Quan sát qua siêu âm thấy thai nhi có thể cầm nắm dây rốn từ tuần 12 thai kỳ. Cả thân thể bé sẽ có phản ứng xúc giác vào tuần thứ 13 hay 14.

Xúc giác của thai nhi đã thể hiện rất rõ qua cử động thai máy vào tuần thứ 18-20. Bắt đầu từ thời điểm này, bố mẹ và người thân có thể thực hành thai giáo bằng cách tạo cho con môi trường thai giáo: vỗ thành bụng, vuốt xuống bụng nhẹ nhàng, kết hợp nói chuyện (lưu ý không vò bụng ở đáy tử cung). 
Thực hành thai giáo tác động một cách tích cực và lâu dài nhằm tối ưu hóa sự phát triển thể chất và trí tuệ của đứa trẻ.

Việc vuốt ve qua thành bụng của mẹ cũng là một cách để tạo mối dây liên hệ mật thiết, sự vỗ về này vào những tháng cuối của thai kỳ cũng giúp người mẹ cảm thấy thích thú khi phân biệt được hình dạng bàn chân hoặc bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, mông của bé qua làn da của mình. Động tác ôm bụng vận động nhẹ nhàng giúp bạn có cảm giác như đang bế bé đu đưa sau này.

2. Thính giác

Từ 8 tuần tuổi thai nhi đã có khả năng nghe nhịp đập của trái tim mẹ. Thính giác của thai nhi phát triển từ giữa tháng thứ 3 và đến giữa thai kỳ, có thể phản ứng lại với âm thanh bên ngoài. Dịch ối giúp thai nhi lơ lửng sẽ dẫn truyền âm thanh tốt. Thai nhi đã biết phân biệt được giọng nói có cảm xúc và có thể chuyển dịch thân nhịp nhàng với lời nói của mẹ (cho dù âm thanh nghe được khá mờ nhạt, giống như nghe thấy ở dưới nước). 

Một số nghiên cứu cho thấy, nếu các bà bầu đến những nơi có âm thanh quá sôi động, tham dự những bữa tiệc quá ồn ào, náo động thì đứa bé trong bụng đạp liên tục. 

3. Vị giác

Từ tuần lễ thứ 13 thai kỳ, các nhà khoa học nhận thấy các dấu hiệu thai nhi đã phát triển khả năng về vị giác. Sang tuần thứ 16, gai lưỡi của bé đã phát triển mạnh để cảm nhận vị. Khi mẹ nếm những vị cay, nồng, mặn, đắng, đứa bé mở miệng ra, nhăn mặt lại.

Điều các bà mẹ dễ nhận thấy nhất là khi mẹ đói bụng, bé đá vào bụng mẹ, khi mẹ ăn ngon miệng em bé cũng cảm nhận được. Vì vậy, mẹ sẽ lựa chọn những thức ăn bổ dưỡng tốt cho cả mẹ và con, giúp bé làm quen với mùi vị, đồng thời cũng tạo cảm giác ngon miệng cho cả hai mẹ con.

4. Thị giác

Vào khoảng tuần thứ 20, tim của thai nhi gia tăng nhịp đập nếu chiếu một bóng đèn phía trước tử cung của mẹ. Đó là phản ứng đầu tiên về thị giác của thai nhi. Mặc dù thai nhi được che chắn bởi thành tử cung và bụng mẹ nhưng bé vẫn có thể nhận thấy ánh nắng khi mẹ đang tắm nắng. Có lúc bé phản ứng lại bằng cách ngoảnh mặt đi nếu quá sáng. 

5. Khứu giác

Khảo sát trường hợp những đứa trẻ sinh non, người ta nhận thấy chúng đã có phản ứng với mùi bạc hà ở tuần lễ thứ 29 trong bụng mẹ. Quan sát những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ Ấn Độ thường xuyên ăn món cà ri thì trẻ cũng sẽ quen với mùi vị cà ri khi chào đời. 

Bước sang tuần lễ thứ 36, thai nhi đã có đáp ứng hoàn toàn với mùi. Thời điểm này, khi mẹ ngửi mùi hăng, nồng thì thai nhi sẽ lấy tay che mặt lại, mẹ ngửi hương hoa dễ chịu đứa bé nằm yên để cảm nhận mùi hương. Lời khuyên cho các thai phụ nên đặt trong nhà, nơi làm việc những loại hoa tỏa hương thơm nhẹ nhàng, tạo cảm giác thư giãn và tâm trạng phấn chấn. Điều này sẽ rất tốt cho thai nhi.

Nguồn tin: Thi Trân

Kỹ Năng Thai Giáo Theo Tháng Tuổi

Quá trình thai giáo được chia làm hai loại: thai giáo gián tiếp và thai giáo trực tiếp. Thai giáo gián tiếp là quá trình tác động gián tiếp thông qua người mẹ để gây kích thích với thai nhi. Thai giáo trực tiếp là quá trình tạo nên các kích thích trực tiếp đối với thai nhi như nghe nhạc, nói chuyện, vuốt ve…

Kỹ Năng Thai Giáo Theo Tháng Tuổi
Thai giáo giúp bé ngoan hơn, vui vẻ hơn
Thai giáo là gì?

Thai giáo nói dễ hiểu là những kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp để mang đến cho thai nhi những điều kiện phát triện tốt nhất. Quá trình thai giáo được chia làm hai loại: thai giáo gián tiếp và thai giáo trực tiếp. Thai giáo gián tiếp là quá trình tác động gián tiếp thông qua người mẹ để gây kích thích với thai nhi. Theo đó, người mẹ phải đảm bảo dinh dưỡng cho mình và thai nhi; đảm bảo tinh thần tích cực, cơ thể khỏe mạnh. Thai giáo trực tiếp là quá trình tạo nên các kích thích trực tiếp đối với thai nhi như nghe nhạc, nói chuyện, vuốt ve…

Thai giáo trong những tháng đầu:

- Luôn giữ tâm trạng tích cực: đặc điểm mang thai những tháng đầu thường làm thay đổi tâm trạng của bà mẹ. Bạn buồn bã, cáu gắt nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi bạn lo lắng, buồn phiên trong giai đoạn mang thai thì khả năng sinh non, sinh thiếu cân hoặc biến chưng thai nghén cao hơn.
– Cùng chồng đi dạo: nên dành khoảng 10 phút mỗi ngày sáng và tối đi dạo cùng chồng mình. Hít thở không khí trong lành
– Nói chuyện với bé 15 phút mỗi ngày. Tốt nhất bạn hãy đặt một cái tên để có thể gọi bé.
– Kể hoặc đọc truyện cho con bằng một giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm
– Vuốt ve bé: Một ngón tay ấn nhẹ vào bụng, sau đó thả ra, ấn nhẹ ngón tay từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Có thể vừa vuốt ve vừa nói chuyện với bé (khoảng 10 phút trước giờ đi ngủ mỗi ngày).
Lưu ý: Vuốt ve bé bằng ngón tay chứ không nên dùng bàn tay xoa bụng bầu. Bởi vì hành động xoa bụng có thể làm tử cung xuất hiện những cơn co, dẫn tới động thai, sảy thai hoặc sinh non. Với những thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non thì hành động xoa bụng càng phải tránh.
– Nhạc trữ tình cho mẹ: Bật một CD nhạc dân ca (hoặc trữ tình, nhạc nhẹ…) bạn yêu thích và cùng thưởng thức với bé. Nhắm mắt lại khi nghe đồng thời bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh dòng sông yên bình; cánh đồng bát ngát hoặc bãi biển trong xanh…

Bốn tháng tuổi, ở thai nhi bắt đầu xuất hiện các phản xạ chạy trốn, phản xạ phòng ngự, phản xạ hô hấp mang tính kích thích. Thai nhi có thể nghe được các âm thanh bên ngoài tử cung. Khi ấy nếu mẹ uống nhiều nước lạnh hoặc nước sôi, thai nhi sẽ đạp thật mạnh và dữ dội, dùng tia sáng ngắt quãng để chiếu lên bụng mẹ, nhịp đập của thai nhi có thể xuất hiện sự thay đổi. Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, bé bắt đầu biết cử động mắt (mắt bé có phản xạ nhắm hoặc mở mắt trong những khoảng thời gian rất ngắn). Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bé có xu hướng quay đầu về phía ánh sáng. Qua thành bụng của bà mẹ, bé sẽ cảm nhận được ánh sáng có màu hồng nhạt. Năm tháng tuổi, thai nhi bắt đầu có khả năng ghi nhớ, nếu được nghe thấy giọng nói của mẹ nhiều lần sẽ có cảm giác an toàn. Có thể mút tay một cách khá thành thục. Chức năng của thận bắt đầu phát triển, đã có thể tiểu tiện trong nước ố. Sáu tháng tuổi, thai nhi có thể ngửi được mùi vị của mẹ và ghi vào trí nhớ. Sự vận động của thai nhi khiến nước ối lắc lư, kích thích làn da.

Thai giáo trong giai đoạn 4 – 6 tháng cần chú ý giữ tinh thần thoải mái, cho bé tiếp xúc với ánh sáng, làm quen với ngôn ngữ bên cạnh việc giữ tâm trạng thư thái, tránh phiền muộn vì những điều vặt vãnh trong cuộc sống. Hãy tán chuyện với người thân, bật nhạc dân ca hoặc loại nhạc bạn yêu thích với cường độ chậm, hay chơi cùng bé bằng cách dùng ngón tay vỗ nhẹ vào bụng sau mỗi lần bé đạp. Những lần sau đó bé sẽ đạp vào vị trí bạn muốn trên bụng. Tốt nhất hãy rủ chồng cùng tham gia vào quá trình này, vì khi đó bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Những cảm xúc tích cực sẽ sản sinh những chất thấm qua dây rốn vào với bé.

Bảy tháng tuổi, não bộ đã xuất hiện các nếp nhăn và đường rãnh rõ ràng, có kết cấu phức tạp, các tế bào thần kinh gần giống với người trưởng thành. Thị giác của thai nhi bắt đầu phát triển. Khi nghe thấy những âm thanh bên ngoài, có thể cảm nhận thích hay không thích, nếu không thích thai nhi sẽ phản ứng bằng cách mút tay (một số trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có kén ở tay).

Tám tháng tuổi, thai nhi có thể nghe và phân biệt được sự nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, mức độ cao hay thấp trong giọng nói và những loại âm thanh khác nhau (phân biệt được sự khác nhau trong giọng nói của bố và mẹ) đồng thời có những phản ứng thể hiện sự mẫn cảm với chúng. Các gai vị giác trên lưỡi đã bắt đấu phát triển, có thể cảm nhận được vị đắng và ngọt. Thông qua các thí nghiệm đối với trẻ sinh non cho thấy, thai nhi thường thích vị ngọt. Lúc này bé đã có thể phân biệt về ngủ và thức, có khi mẹ ngủ song bé lại thức, biết phân biệt giữa vui vẻ và không vui vẻ. Con đã có thể cảm nhận được cảm xúc vui buồn, bất an hay bi thương của mẹ.

Các kỹ năng thai giáo cơ bản giai đoạn sắp sinh đó là phát triển thị giác và thính giác. Bé nghe đươc nhiều âm thanh hơn nên bạn hãy đặt tai nghe vào bụng khoảng 10 phút 2 lần mỗi ngày. Hoặc hát cho bé nghe và hỏi bé xem mẹ hát có hay không. Mỗi lần bạn hát cho bé xong một nhịp, nên nghỉ ngơi vài giây để bé tiếp thu trước khi hát nhịp tiếp theo. Tiếp tục đọc sách hằng ngày trước khi đi ngủ. Hãy tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật để bé có thể phát triển não phải nhé.

Thai giáo cùng chồng để đạt kết quả tốt nhất

Sau chín tháng, thai nhi có thể sinh một cách khỏe mạnh với đầy đủ các bộ phận phức tạp và hoàn thiện, có thể thoát ly khỏi cuộc sống ở nhờ trong bụng với sức sống tràn trề.

Như vậy trong giai đoạn thai giáo, tuy não bộ cùng các hiện tượng tâm lý chưa phát triển nhưng tác động của các yếu tố bên ngoài lên sự phát triển của thai nhi cần phải được xem xét nghiêm túc, tiến hành thai giáo được coi là bước đặt nền móng cho sự phát triển sau này.